Hàng tồn kho tăng cao gây áp lực rất lớn đối với DN cũng như cả nền kinh tế. Đối với DN, hàng tồn kho là một trong những nguyên nhân chính đẩy DN vào tình cảnh kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản. Đối với nền kinh tế, hàng tồn kho là một trong những biểu hiện của tình trạng đình trệ sản xuất kinh doanh, tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế... Chính vì vậy, việc giải phóng hàng tồn kho là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ đề ra. Nhưng theo nhiều ý kiến, đó không chỉ là trách nhiệm của riêng Chính phủ, các bộ, ngành mà còn là trách nhiệm của DN và toàn xã hội.
Bài 1: Sản xuất kinh doanh gặp khó vì hàng tồn kho
Thời điểm này, đối mặt với lượng hàng tồn kho tăng cao, các doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều ngành hàng đã phải đồng loạt tung ra các biện pháp giảm giá, khuyến mãi... để kích thích sức mua. Mặc dù vậy, do sức tiêu thụ sụt giảm mạnh nên hàng tồn vẫn chất đống tại kho của cả DN lẫn hệ thống phân phối. Khi lượng hàng tồn kho vượt quá sức chịu đựng của DN, việc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí rơi vào tình cảnh phá sản là khó tránh khỏi.
Giảm giá, tăng khuyến mãi... hàng tồn vẫn chất đống
Các doanh nghiệp (DN) dệt may đang rất vất vả đối mặt với tình trạng tiêu thụ sụt giảm, tồn kho tăng cao. Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Tâm (Foci), một DN chuyên sản xuất hàng dệt may cho thị trường nội địa thừa nhận, sức mua hàng may mặc trên thị trường từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh khiến lượng hàng tồn kho của công ty tăng nhanh. Theo các DN dệt may, do sức mua ước tính giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2011 khiến nhiều DN bị tồn đọng hàng hóa khá lớn. Thông thường, các DN vẫn phải có lượng hàng tồn kho ở mức 10 - 20% để đảm bảo dự trữ và lưu thông nhưng hiện nay, có DN tồn kho tới 40 - 50% thì áp lực về tiêu thụ, vốn, lợi nhuận... là rất lớn.
Đóng gói quần áo xuất khẩu tại nhà máy may của Công ty Lifpro (Ninh Bình). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đối mặt với lượng hàng tồn kho tăng cao, các DN đã tích cực triển khai các hoạt động khuyến mãi, giảm giá để kích cầu nhưng hiệu quả cũng không được như mong đợi do kinh tế khó khăn, sức tiêu dùng của xã hội sụt giảm. Trên đường Chùa Bộc, một trung tâm thời trang của Hà Nội, hàng trăm cửa hàng bán quần áo khuyến mãi, giảm giá phổ biến từ 20 - 50% cho tất cả các mặt hàng. Có cửa hàng còn treo biển khuyến mãi khủng tới 70 - 80% để hút khách nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm. Chủ một đại lý thời trang tại đường Chùa Bộc cho biết, có nhiều sản phẩm công bố giảm giá cả tháng trời cũng không bán được là bao.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với hàng điện tử, điện lạnh. Thời điểm này những năm trước, khi vào mùa nắng nóng và diễn ra các sự kiện thể thao lớn (EURO hoặc World Cup), các mặt hàng thiết bị chống nóng và nghe nhìn bán rất chạy, nhất là điều hòa và ti vi. Thế nhưng năm nay, mặc dù hàng loạt siêu thị, trung tâm điện máy đã tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 15 - 30% đối với mặt hàng ti vi nhưng sức tiêu thụ cũng chỉ tăng hơn 10%; so với những kỳ thể thao này diễn ra trước đây, mức tiêu thụ giảm khoảng 50%. Giám đốc một DN sản xuất khăn giấy cho biết, mặt hàng khăn giấy, giấy vệ sinh cũng rất khó tiêu thụ, buộc DN phải cơ cấu lại dây chuyền, giảm lượng sản xuất để tránh bị đọng vốn. Dù vậy, do hàng tiêu thụ chậm nên thiệt hại là rất lớn khi các khoản vay của ngân hàng vẫn chưa thể trả được. Hàng tồn chất đống trong kho quá lâu còn bị xuống cấp khiến giá bán cũng giảm theo trong khi chi phí kinh doanh như chi phí kho bãi tăng lên.
Thu hẹp cả sản xuất và phân phối hàng hóa
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 952.200 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 5 tháng chỉ tăng 6,6%. Đây là mức tăng trưởng bán lẻ rất thấp, cho thấy sức tiêu thụ đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Theo lý giải của Bộ Công Thương, cùng với thị trường nội địa kém sôi động thì thị trường xuất khẩu cũng bị thu hẹp do tình hình kinh tế thế giới khó khăn tác động làm cho tiêu thụ hàng hóa sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao.
Chỉ số tồn kho chung của DN tính đến 1/5 lên đến 29,4%, trong đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng như: Dệt may, da giày, giấy, thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng... có mức tồn kho thậm chí lên tới 30 - 50%. Chỉ số hàng tồn kho tăng cao là diễn biến bất thường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lẫn sự phát triển của nền kinh tế. Theo đánh giá của Chính phủ, cùng với việc khó tiếp cận vốn, vấn đề tồn kho cao, sức tiêu thụ chậm đang là một trong những trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tình hình tài chính của DN hiện nay.
Đối mặt với áp lực hàng tồn kho tăng cao, nhiều DN đã buộc phải thu hẹp sản xuất, hệ thống phân phối... Có những DN dệt may từ chỗ có hàng trăm điểm phân phối đã giảm xuống chỉ còn vài chục điểm. Có DN da giày chỉ còn duy trì điểm phân phối để giữ thương hiệu chứ không phải vì mục tiêu kinh doanh. Theo kết quả khảo sát về thực trạng khó khăn của DN thực hiện trên 10.000 DN cả nước vừa được Tổng cục Thống kê công bố, số lượng DN phá sản, giải thể chiếm khoảng 8,4%, trong đó khoảng 15% DN phá sản do không tiêu thụ được sản phẩm, nhất là hàng hóa của ngành chế biến, chế tạo. Điều đáng lo ngại là, nếu việc “giải cứu” hàng tồn kho không sớm được thực hiện, thì số DN bị phá sản vì hàng tồn kho còn có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Thu Hường
Bài 2: Tồn kho xi măng: Lỗi không chỉ do thị trường suy giảm