Mùa thu cũng là giai đoạn thu hoạch nhựa bồ đề (còn được gọi là cánh kiến trắng, an tức hương, Benzoin Siam) của người dân tộc Dao, Tày tại hai xã Nậm Tha và Chiềng Ken của huyện Văn Bàn (Lào Cai). Dẫn chúng tôi vào rừng, ông Triệu Tài Lâm, một trong những người dân của xã bắt đầu công việc cạo nhựa bồ đề.
Đi guốc chuyên dụng, ông Lâm leo lên cây, dùng dao tách từng ô vuông khía vào thân cây tạo điểm nhả mủ và cũng với cách này sau đó ông đi thu hoạch nhựa cây.
Lào Cai hiện có gần 4.000 ha rừng trồng cây bồ đề, riêng huyện Văn Bàn là 370 ha. Khi cây từ 5 - 8 tuổi, chiều cao khoảng 20m thì người dân bắt đầu khai thác mủ. Họ dùng dao cắt hình bao diêm trên thân, mỗi điểm cách nhau khoảng 90cm. Sau khi nhựa bồ đề chảy ra tích lại ở vị trị bị cắt thì người dân sẽ thu hoạch.
Ông Lâm gắn bó với cây bồ đề mấy chục năm qua. "Ngày trước do chưa biết giá trị cánh kiến trắng, tôi chỉ vào rừng chặt cây bán lấy gỗ. Ba năm trở lại đây, nhận thấy giá trị của nhựa bồ đề tôi bắt đầu lấy nhựa, vừa không phá rừng lại vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao", ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết, mỗi đợt đi rừng 5 - 7 ngày, người dân ở huyện miền núi Lào Cai cạo được khoảng 70kg nhựa bồ đề và bán với giá 350.000 đồng/kg. Sản phẩm cánh kiến trắng được doanh nghiệp trên địa bàn thu mua để xuất khẩu đi châu Âu, dùng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Nhựa bồ đề là hợp chất thiên nhiên quý giá được dùng phổ biến sản xuất nước hoa như chất định hương, có tác dụng giữ mùi hương lưu lại lâu dài.
Trước đây, mọi người chỉ biết đến công dụng của nhựa bồ đề trong y học để chữa ho, long đờm, chữa trúng hàn... Ngày nay, nhựa bồ đề còn có tác dụng khác trong sản xuất nước hoa, gỗ cây dùng làm diêm, bột giấy và làm nguyên liêu chế biến sợi nhân tạo.
Hiện nay, nhựa bồ đề được xuất khẩu sang Pháp, Myanmar làm nguyên liệu sản xuất nước hoa cao cấp, giúp cho việc lưu giữ mùi hương trong các loại mỹ phẩm dưỡng da. Hương thơm dễ chịu của nhựa bồ đề làm thư giãn tinh thần, giảm mệt mỏi căng thẳng, sảng khoái. Nhựa bồ đề loại 1 có giá bán lên tới 450.000 đồng/kg. Bởi lẽ đó, vùng rừng bồ đề tự nhiên trở thành “mỏ nguyên liệu” giúp đồng bào dân tộc miền núi thoát nghèo.
Để có thể xuất khẩu được, nhựa bồ đề thu hoạch phải là loại 1, đảm bảo hình dáng to dài, màu sắc trắng, nhựa được sàng lọc loại bỏ tạp chất.
Huyện Văn Bàn hiện có 20 hộ dân tham gia khai thác nhựa bồ đề với số lượng hơn 2.000 gốc cây tự nhiên để cung cấp cho công ty thua mua xuất khẩu. Để phát triển bền vững vùng nguyên liệu, người dân cũng được doanh nghiệp cung cấp cây giống để trồng mới.
Để tăng thu nhập, chị Liu Mấy (thôn 72, xã Chiềng Khen) cho biết: Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương, người dân có thể trồng xen canh dưới tán cây bồ đề các loại cây trồng khác như sả và gừng. Cả hai loại cây này cũng sẽ được thu mua để sản xuất tinh dầu xuất khẩu.
Theo ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Văn Bàn, mô hình trồng cây bồ đề lấy nhựa trên địa bàn không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn giảm áp lực vào rừng khai thác gỗ. "Muốn người dân không phá rừng thì phải tìm sinh kế cho họ. Với cách làm này, mỗi ha cho người dân thu nhập từ 40 - 90 triệu đồng. Đây sẽ là những mô hình điểm để từ đó địa phương triển khai ra diện rộng việc trồng cây bồ đề", ông Đỗ Ngọc Minh chia sẻ.
Không khó để nhìn thấy tài nguyên rừng đã mang lại sự thay đổi cuộc sống của người dân Văn Bàn và chính sự giữ rừng của cả cộng đồng, chung tay vì một nền nông nghiệp sạch đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no, là tài nguyên “vàng” về người dân làm giàu.
Video về đồng bào Dao, Tày ở Lào Cai thu hoạch "vàng" cánh kiến trắng: