Lãi vay được giảm tối thiểu 1% khi thực hiện Chương trình liên kết lúa gạo

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chiều 15/10, Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được triển khai theo 2 giai đoạn.

Chú thích ảnh
Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên đầu tư dây chuyển đóng gói sản phẩm “Gạo quê tôi”. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank chủ lực cho vay. Giai đoạn mở rộng tiếp theo từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Các TCTD cho vay bằng nguồn vốn tự huy động, nên việc cho vay được thực hiện theo cơ chế thương mại.

Để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo, các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng, đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố hiện chưa công bố định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo và xác định, công bố các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết theo Quyết định 1490, do vậy các TCTD chưa có cơ sở đánh giá về nhu cầu vốn phục vụ các chuỗi liên kết. 

Ngoài ưu đãi về mức giảm lãi suất tối thiểu 1%, các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo còn được hưởng nhiều ưu đãi khác theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa là từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng (tùy đối tượng khách hàng cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã); chính sách cho vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70 - 80% giá trị phương án, dự án...

Đối với cơ chế xử lý nợ đặc thù theo NHNN, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; cơ chế khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc khách hàng là tổ chức đầu mối liên kết, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Minh Phương/Báo Tin tức
Tăng giá trị, tạo liên kết chuỗi bền vững cho sản phẩm lúa gạo 
Tăng giá trị, tạo liên kết chuỗi bền vững cho sản phẩm lúa gạo 

Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, nông nghiệp vẫn là ngành trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN