Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, đến hết tháng 8, toàn tỉnh đã xuống giống được 336.340 ha lúa, tăng 2,6% so với cùng kỳ, đã thu hoạch 238.830 ha (71% diện tích xuống giống), cho sản lượng 1,6 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Nhờ trồng chủ lực các loại giống lúa đặc sản chất lượng cao như giống ST24, ST25, Tài nguyên, Đài thơm 8... nên năng suất, sản lượng, giá trị lúa gạo đều tăng cao cho nhà nông. Từ đầu năm đến nay, giá lúa tăng từ 400 - 600 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; cụ thể, lúa thường có giá từ 7.000 - 7.700 đồng/kg, lúa thơm dao động từ 7.400 - 8.400 đồng/kg và lúa đặc sản có giá từ 7.600 - 9.400 đồng/kg, cho lợi nhuận rất cao cho người trồng với khoảng từ 20 - 35 triệu đồng/ha/vụ.
Cùng với khuyến cáo nhà nông sử dụng giống lúa chất lượng cao, giống cấp xác nhận, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đang tập trung thực hiện nhiều mô hình trồng lúa kỹ thuật cao, cơ giới hóa đồng bộ, sử dụng máy bay gieo sạ hạt, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng cơ giới hóa gần như 100% từ khâu làm đất gieo trồng. Nhờ vậy, công việc của người nông dân cũng được nhẹ nhàng hơn.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 1335/QĐ-BNN-TT, ngày 10/5/2024 Phê duyệt Kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án một 1 triệu ha lúa chất lượng cao), tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai trên diện tích 72.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Riêng vụ lúa Hè Thu năm nay (đang thu hoạch), tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thí điểm 1 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú). Mô hình có 46 hộ thành viên tham gia với tổng diện tích trên 50 ha, qua hơn 3 tháng gieo trồng chăm sóc, tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt, đến nay đã và đang thu hoạch cho hiệu quả được Cục Trồng trọt và lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đánh giá rất cao.
Mô hình được thực hiện gieo sạ bằng giống lúa ST25 cấp xác nhận, thời gian sinh trưởng của lúa 105 ngày. Sau thu hoạch lúa trong mô hình thí điểm cho thấy, chi phí sản xuất thấp hơn so với bên ngoài mô hình là hơn 5,3 triệu đồng/ha. Lúa trong mô hình ở Sóc Trăng đã thu hoạch, năng suất đạt hơn 64 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,6 tạ/ha và lợi nhuận mô hình thí điểm cao hơn hơn 5,2 triệu đồng/ha so với bên ngoài mô hình. Hiệu quả của mô hình sản xuất tăng 32%.
Theo ông Trần Tấn Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị trực thuộc bộ triển khai thí điểm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, là vụ đầu tiên nhưng cho hiệu quả rất tốt. Mô hình được thực hiện cơ giới hóa vào đồng ruộng, gieo sạ bằng máy, sử dụng lượng giống 60 kg/ha, giảm 10 kg/ha so nông dân ngoài mô hình; nhất là giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm trên 41% lượng đạm so với ngoài mô hình.
Việc đo đạc lượng khí phát thải nhà kính được theo dõi chặt chẽ. Kết quả đo được cho thấy, mô hình có lượng khí phát thải 9.505 kg CO2 tương đương 1ha/vụ. Trong khi ngoài mô hình, không áp dụng quy trình phát thải là 13.501 kg CO2, chênh lệch phát thải trong và ngoài mô hình là đã giảm được gần 3 tấn carbon/ha/vụ, cho thấy hiệu quả về môi trường là rất lớn.
Ông Lê Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, giá trị xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng 8 tháng năm 2024 đạt 1,18 tỷ USD, đạt 78,67% chỉ tiêu Nghị quyết cả năm và tăng 18,78% so cùng kỳ năm trước. Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh chủ yếu là từ thủy sản và gạo.
Nếu như mặt hàng mũi nhọn của tỉnh nhiều năm qua là thủy sản và trong 8 tháng đạt 674 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước thì mặt hàng gạo xuất khẩu của tỉnh đang vươn lên mạnh mẽ với giá trị xuất khẩu đạt 430 triệu USD (tăng 38,38% so với cùng kỳ năm trước).
Nguyên nhân theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh là do tình hình xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay thuận lợi về thị trường tiêu thụ và giá cả. Bên cạnh đó, chất lượng lúa gạo của tỉnh cũng ngày càng được nâng lên với các giống cho gạo đặc sản, gạo thơm, gạo hữu cơ đang được nhiều thị trường các nước ưa chuộng. Đó cũng là chủ trương của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua đã và đang tập trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đem lại giá trị xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay.