Để đạt được chỉ tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung chỉ đạo xuống giống dứt điểm vụ lúa Hè Thu, nhất là các địa phương bị xâm nhập mặn như Trần Đề, Long Phú; triển khai các giải pháp về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ năng suất lúa vụ Hè Thu; xây dựng kế hoạch xuống giống vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Tỉnh tiếp tục bố trí lại cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp với lợi thế của từng vùng, giảm canh tác 3 vụ lúa/năm ở những vùng có điều kiện khó khăn; khuyến khích canh tác 2 vụ lúa/năm.
Ngành nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, GlobalGAP, công nghệ sản xuất theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn chất lượng, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc; kiểm soát tốt dịch bệnh…
Đặc biệt, thực hiện triển khai đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch trong năm 2024 - 2025 sẽ xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao trên diện tích 38.500 ha và từ năm 2025 đến 2030 sẽ mở rộng thêm khoảng 33.500 ha cho đạt diện tích 72.000 ha.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thực hiện đề án này, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai canh tác lúa theo quy trình chất lượng cao trên địa bàn của 9 huyện, thị xã, thành phố gồm huyện Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.
Thực hiện đề án, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện đã đăng ký tham gia đề án; quá trình thực hiện sẽ áp dụng các gói theo quy trình kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho hộ dân và tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh lúa; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tỉnh xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa nâng cao chuỗi giá trị… phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định các hợp tác xã, đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo của tỉnh.
Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi (huyện Long Phú, Sóc Trăng) là một trong những đơn vị được tỉnh Sóc Trăng chọn làm mô hình thí điểm “Canh tác lúa giảm phát thải, quản lý rơm, nước và phân bón”, trong đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi cho biết, hiện hợp tác xã có trên 600 ha đất trồng lúa với 538 thành viên. Thời gian qua, hợp tác xã đã áp dụng rất hiệu quả quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” gắn liên kết tiêu thụ đã góp phần làm giảm chi phí đầu tư cho sản xuất và đầu ra ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi cũng là một trong 7 mô hình thí điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được triển khai làm liên tục trong 3 vụ, gồm vụ lúa Hè Thu 2024 cho đến vụ Thu Đông và Đông Xuân sắp tới, sau đó nhân rộng ra các diện tích đã đăng ký trong năm 2025 - 2026.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xuống giống được 331.720 ha lúa, tăng 2,15% so cùng kỳ năm 2023. Tỉnh đã thu hoạch được 192.295 ha (đạt 57,97% so tổng diện tích lúa đã xuống giống) với sản lượng 1,33 triệu tấn, tăng 7,15%; trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 94,38% (chỉ tiêu Nghị quyết 93,37%) và sản lượng lúa đặc sản, thơm các loại chiếm 55,86% tổng sản lượng lúa (chỉ tiêu Nghị quyết 55,44%), một số giống lúa được gieo trồng chủ yếu như: các giống lúa ST (ST24, ST25), Tài nguyên, Đài thơm…
Nhờ gạo xuất khẩu trong thời gian gần đây thuận lợi nên giá lúa cao so với cùng kỳ năm trước tăng từ 1.300 - 2.500 đồng/kg, đặc biệt trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, đã có 60 công ty, doanh nghiệp và thương lái trong khu vực tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ, với tổng diện tích bao tiêu 28.355 ha, tăng 6.924 ha so với cùng kỳ năm trước, với giá thu mua dao động từ 7.000 - 11.500 đồng/kg.
Lúa gạo có giá, xuất khẩu thuận lợi nên trong nửa đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng ước đạt trên 800 triệu USD, đạt 53,33% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 18,07% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu gạo đạt 325 triệu USD, tăng 56,68% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất thuận lợi, người trồng lúa cũng có thu nhập cao, lợi nhuận tăng, trung bình mỗi héc-ta người trồng lúa Sóc Trăng đạt lợi nhuận từ 20 - 40 triệu đồng.