Lai Châu: Khai thác, chế biến đất hiếm tại mỏ Đông Pao

Ngày 17/6, tại huyện Tam Đường (Lai Châu) đã diễn ra "Lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác - chế biến đất hiếm giữa Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO và Công ty phát triển đất hiếm Đông Pao Nhật Bản".

 

Đại diện hai công ty ký kết khai thác, chế biến đất hiếm mỏ lớn nhất Việt Nam.

 

Ông Bùi Văn Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu - VIMICO nhận định: Đây là bước tiếp theo khẳng định một lần nữa thực hiện việc thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực khai thác, chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao - mỏ đất hiếm lớn nhất của nước ta, nói riêng và phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam.


Tại lễ ký, hai bên cam kết sẽ đưa những công nghệ tiên tiến vào khai thác mỏ và thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành, bảo đảm quyền lợi của nhân dân nơi có mỏ, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước…


Đại diện 2 công ty đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm thân quặng F3 ở mỏ Đông Pao, theo 2 giai đoạn:


Giai đoạn 1, hai bên cùng tiến hành nghiên cứu, lập “Dự án khai thác chế biến đất hiếm thân quặng F3, ở mỏ Đông Pao, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu” với mục tiêu công suất sản phẩm 10.000 tấn/năm ô xít đất hiếm và ô xít riêng rẽ. Hai bên cùng quyết định: quy trình tuyển quặng, quy trình chế biến, địa điểm nhà máy chế biến…


Giai đoạn 2, hai bên tiếp tục đàm phán các khoản mục về thành lập công ty liên doanh, với tên dự định là “Công ty TNHH hai thành viên Việt-Nhật”; Vốn điều lệ của công ty sẽ không ít hơn 30% tổng giá trị đầu tư của dự án. Trong thời hạn hiệu lực của biên bản ghi nhớ, hai bên cam kết bảo mật các thông tin dự án khai thác, chế biến thân quặng F3 ở mỏ Đông Pao. Không tham gia vào đàm phán hay dàn xếp với bất kỳ bên thứ 3 nào nhằm mục đích phát triển và đầu tư Dự án liên quan đến thân quặng F3 hoặc F7 khi không có sự chấp nhận bằng văn bản của bên còn lại…


Phát biểu tại lễ ký kết, ông Bùi Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường yêu cầu hai công ty cần khai thác đất hiếm một cách hiệu quả, đồng thời bảo vệ khoáng sản khai thác, đảm bảo môi trường, ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực địa phương, thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động, an ninh khu vực mỏ khai thác theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thực hiện đúng, đầy đủ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...


Bài và ảnh: Nguyễn Công Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN