Kon Tum tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Ngày 23/11, Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể” và 10 năm thi hành luật Hợp tác xã 2012.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Kon Tum. 

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục đưa kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các cấp, ngành và địa phương cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc đồng hành, hướng dẫn, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra về thi hành Luật Hợp tác xã và các chính sách đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huy động nguồn lực vào phát triển kinh tế.

Các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ chính sách về tài chính, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho các hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã tiếp cận có hiệu quả các chính sách, nguồn lực đầu tư. Các hợp tác xã cần tiếp tục đầu tư, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, từng bước mở rộng quy mô, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia vào kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần tạo việc làm, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW,  kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, thu hút nhiều thành viên tham gia. Toàn tỉnh hiện có 195 hợp tác xã, 210 tổ hợp tác với hơn 11.000 thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhìn chung, các hợp tác xã đã từng bước củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước trong sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính và đảm bảo chế độ cho người lao động. Doanh thu dự kiến đến hết năm nay của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt hơn 12 tỷ đồng; bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/hợp tác xã/năm; thu nhập bình quân 41 triệu đồng/lao động thường xuyên/năm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã đã chú trọng đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm với nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) được công nhận. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời, phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cùng với các thành phần kinh tế khác trở thành động lực quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một số hợp tác xã đã thành lập với những mô hình mới, cách làm hiệu quả và đạt được nhiều thành công như: Hợp tác xã Đông trùng hạ thảo (thành phố Kon Tum), Sáu Nhung (huyện Đăk Hà), Rau hoa và du lịch Thanh Niên (huyện Kon Plông), Bắc Tây nguyên Farm, Công bằng Pô Cô và các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn…

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. 

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung cho biết, hợp tác xã hiện có 113 thành viên liên kết, tập trung canh tác hơn 300 ha cà phê robusta tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Doanh thu của đơn vị đạt 35 tỷ đồng/năm. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quá trình tìm đầu ra cho các sản phẩm của hợp tác xã gặp khó khăn vì nhiều cửa hàng phải đóng cửa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá thành cao. Đơn vị kiến nghị tỉnh Kon Tum liên kết với các tỉnh bạn có vùng xanh an toàn để giúp đơn vị tìm công nhân thu hái cà phê; xây dựng quy hoạch vùng chuyên canh để dễ kết nạp thành viên, xây dựng thương hiệu và phân công các cán bộ có chuyên môn về làm việc cho hợp tác xã.

Theo Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng Đông trùng hạ thảo Kon Tum Đoàn Quốc Anh Khôi, để những sản phẩm về đông trùng hạ thảo được phát triển, vươn xa hơn nữa, tỉnh  Kon Tum xem xét hỗ trợ đơn vị trong việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu và sản phẩm trên các trang thông tin điện tử của tỉnh; tạo điều kiện để đơn vị thuê đất xây dựng trụ sở, nhà xưởng phục vụ công tác nuôi trồng đông trùng hạ thảo và tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, làm rõ thêm những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật Hợp tác xã năm 2012; bổ sung những giải pháp, kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã trao tặng bằng khen cho 5 cá nhân và 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.

Tin, ảnh: Khoa Chương (TTXVN)
Tạo điều kiện, khuyến khích phát triển bền vững khu vực kinh tế tập thể
Tạo điều kiện, khuyến khích phát triển bền vững khu vực kinh tế tập thể

Khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển nhanh và đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao đáng kể thu nhập cho người dân, tạo nền tảng chắc chắn cho quá trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN