Kinh tế đất ở Việt Nam - Bài 1: Quản lý, sử dụng đất công - thực trạng và giải pháp

Hiện ở Việt Nam, cũng như nhiều nước có nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường có nguồn lực đất công rất lớn, nhưng việc thu lại giá trị đất công không hiệu quả do rủi ro tham nhũng quá cao.

Chú thích ảnh
Quản lý đất đai bất cập khiến ngân sách nhà nước bị thất thu. Ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức

Ở Việt Nam, đất công bao gồm là đất chưa sử dụng, đất nhà nước chưa giao chưa cho thuê, đất sử dụng vào mục đích công cộng và đất do các tổ chức của nhà nước sử dụng. Ngược lại, đất tư là đất do các tổ chức kinh tế không thuộc sở hữu nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng.

Từ góc độ giá trị đất đai, nguồn lực đất công luôn được dễ dàng chuyển thành nguồn lực tài chính quốc gia với nhiều biện pháp làm tăng giá trị đất công hoặc sử dụng giá trị đất công thay cho vốn tài chính.

Còn nhiều vướng mắc

Tại thời điểm trước cổ phần hóa có trên 12.000 doanh nghiệp nhà nước, đến nay chỉ còn gần 60 doanh nghiệp, vậy số đất đai, tài sản của doanh nghiệp này đi đâu? Đóng góp cho ngân sách bao nhiêu?... Đó là những băn khoăn của Tiến sỹ Hoàng Đình Cường, chuyên gia Ngân hàng thế giới tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh tế đất” diễn ra đầu tháng 7/2018, tại Hà Nội.

Trải qua các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, việc quản lý, sử dụng đất đai dường như chưa theo kịp, luôn bộc lộ các vấn đề lớn, gây bức xúc, thất thoát, lãng phí. Cụ thể việc thu hồi đất là nhu cầu tất yếu để phát triển hạ tầng, phục vụ các nhu cầu, sản xuất, kinh doanh và dân sinh luôn chậm trễ, tốn kém và không thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của người có đất bị thu hồi dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại phổ biến và kéo dài.

Đồng thời, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp rất khó khăn, việc giao đất, cho thuê đất hầu hết không thông qua “đấu giá” công bằng, minh bạch. Giá đất giao và cho thuê thấp rất xa so với giá trên thị trường dẫn đến thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Đất không sử  dụng và sử dụng đều không đúng mục đích, bị lợi dụng để cho thuê lại vẫn còn nhiều ngay cả ở các đô thị lớn mặc dù đã được Chính phủ tổ chức sắp xếp lại.

Về việc chuyển giá trị đất công thành vốn tài chính, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay, việc giao đất công có thu tiền hoặc cho thuế đất công trả tiền một lần ở Việt Nam đang chiếm tới 85% nguồn thu từ đất, có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngân sách địa phương. Tuy vậy, hệ thống thu từ giá trị đất công vẫn còn bộc lộ nhiều nhược điểm, việc nhà nước giao đất công, cho thuê đất công trực tiếp cho nhà đầu tư tư nhân đã được chỉ định với các quyết định hành chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được đánh giá chứa đựng nhiều rủi ro tham nhũng. Thực tế, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất được xác định chỉ bằng khoảng 30% giá trị thị trường.

Việc sắp xếp lại mặt bằng sử dụng đất công tại các đô thị khi chuyển một số đơn vị sự nghiệp đông người, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ngoài đô thị, bố trí lại trụ sở các cơ quan nhà nước đã trở thành chủ trương lớn, nhưng việc thực hiện chưa đảm bảo minh bạch về giá trị. Đất công của cơ sở cũ được chuyển nhượng cho các dự án đầu tư đều không thông qua đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Luật Đất đai cũng không có quy định nào liên quan đến việc xác định giá trị đất đai khi sắp xếp lại mặt bằng sử dụng đất công tại các đô thị. Ngoài ra, việc quản lý đất công và khung pháp luật đất công không rõ ràng, theo pháp luật hiện hành, đất công phi nông nghiệp được giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất để quản lý, đất công nông nghiệp lại giao cho UBND cấp xã để quản lý. Do vậy, việc quản lý nói trên chính là một trong những nguyên nhân làm cho giá trị đất công bị suy giảm và khó quy hoạch sử dụng đất đồng bộ.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai về “đất công”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, trước hết cần bổ sung khái niệm “đất công” vào Luật Đất đai bao gồm đất chưa sử dụng; đất nhà nước chưa giao, chưa cho thuê; đất sử dụng vào mục đích công cộng và đất do các tổ chức của nhà nước sử dụng... Đồng thời, nâng cao năng lực của Tổ chức phát triển quỹ đất, chuyển sang hình thức doanh nghiệp nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp toàn bộ đất công, kế cả đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đất công được quy hoạch để đưa vào sử dụng nhằm điều tiết thị trường quyền sử dụng đất, bảo đảm đất đai cho các nhu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và cộng đồng dân cư sử dụng.

Ngoài ra, việc giao, cho thuê đất công phải được thực hiện theo cơ chế đấu giá đất, cơ chế được áp dụng đối với các dự án đầu tư bằng vốn của nhà đầu tư thực hiện trên đất công do nhà nước giao hoặc cho thuê thông qua đấu giá; bổ sung các quy định về chế tài để xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện đấu giá đất công. Việc phát triển hạ tầng phải gắn với quy hoạch sử dụng đất đai kề bên hạ tầng nhằm thu được phần giá trị đất đai tăng thêm do hạ tầng mang lại để sử dụng vào chi trả cho phát triển hạ tầng, đồng thời khắc phục tình trạng không bảo đảm cảnh quan đô thị, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhà nước cũng có thể áp dụng cơ chế như: thu hổi đất cho phát triển hạ tầng và đất đai kề bên cùng với giải quyết tái định cư tại chỗ; thực hiện dự án góp đất và điều chỉnh lại đất đai; áp dụng cơ chế cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với các dự án hạ tầng vì mục tiêu lợi nhuận.

Đề xuất chính sách quản lý, sử dụng đất công, Tiến sỹ Hoàng Đình Cường, chuyên gia Ngân hàng thế giới cho rằng cần sửa lại cơ chế quản lý đất đai khi cổ phần hóa. đối với đất giao và đất trả tiền một lần nên tính giá trị đất theo giá thị trường vào giá trị doanh nghiệp. Đối với đất thuê trả tiền hàng năm cần điều chỉnh giá thuê đất theo đúng mục đích sử dụng, phù hợp với giá trị trường.

Hơn nữa, tất cả văn phòng ở các bộ, cơ quan Trung ương ở Thành phố Hồ Chí Minh cần sắp xếp lại theo hướng tập trung vào một khu hành chính của Chính phủ tại phía Nam; thực hiện bán đấu giá các trụ sở của các bộ, cơ quan Trung ương. Theo đó, phải rà soát lại toàn bộ, đối với bộ phận đã chuyển mục đích thì thu tiền cho ngân sách nhà nước, còn đối với phần cho thuê lại thì kiên quyết thu hồi.

Đặc biệt, về vướng mắc giá “đất công”, cần thiết thảo luận với Ban soạn thảo chia làm 2 vấn đề: vướng do đất và vướng do những vấn đề khác nhằm thay đổi phương pháp tính giá đất theo hướng sử dụng các thông tin giao dịch trên thị trường nhiều hơn. Đồng thời, tổ chức rà lại các văn bản dưới luật như: bảng giá đất (tiến hành ưu đãi tài chính, giảm thuế suất, mở rộng hình thức đấu giá đất, coi là hình thức chính).

Việc xác định giá trị đất đai được nhà nước giao có thu tiền, nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất một lần trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ theo đúng yêu cầu định giá đất đối với các trường hợp cụ thể  nhằm kiểm soát mức thu nhập của các nhà đầu tư để điều tiết hợp lý thu nhập hình thành từ chênh lệch giá đất.

Kết quả định giá đất phải được Hội đồng thẩm định giá đất cấp Quốc gia thẩm định và công khai kết quả định giá đất trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Doanh nghiệp cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất so với hiện trạng, trừ trường hợp kế hoạch sử dụng đất đưa vào diện nhà nước thu hồi đất.

Diệu Thúy (TTXVN)
Không né tránh, xử lý nghiêm các vi phạm quản lý đất công
Không né tránh, xử lý nghiêm các vi phạm quản lý đất công

Sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn nhóm vấn đề về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN