Kinh tế cửa khẩu - Động lực để Lạng Sơn phát triển

Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn với diện tích xác định là 394 km2, bao gồm thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng, thị trấn Cao Lộc và một số xã của các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan và Chi Lăng.

Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Văn Lãng - Lạng Sơn) kiểm hóa hàng nhập khẩu.


Cùng với sự phát triển Khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ, sự hình thành và phát triển của khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn góp phần hình thành trục tứ giác kinh tế trọng điểm Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Lợi thế và tiềm năng

Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn giữ vai trò là đầu mối giao lưu quan trọng của tuyến hành lang kinh tế và vành đai kinh tế ven vịnh Bắc Bộ; khai thác có hiệu quả lợi thế của khu vực cửa khẩu biên giới, xây dựng khu KTCK trở thành khu thương mại, dịch vụ năng động, có cơ chế chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường an ninh biên giới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Việc tăng cường quan hệ đối tác, hợp tác chặt chẽ với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong việc xây dựng và phát triển KTCK, đặc biệt là khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng (Việt Nam) – Bằng Tường (Trung Quốc) đã được tỉnh quan tâm, bởi đây là khu chức năng giữ vai trò trọng tâm trong Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn và là một trong những tâm điểm của hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước và nước thứ ba triển khai hợp tác để hành lang kinh tế này trở thành điểm tăng trưởng mới của hợp tác kinh tế thương mại hai nước, phát huy vai trò trong hợp tác kinh tế thương mại ASEAN – Trung Quốc. Mục tiêu cụ thể được xác định là đưa mức tăng trưởng GDP của toàn tuyến lên gấp 1,2 đến 1,4 lần mức trung bình của cả nước, nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua tuyến hành lang kinh tế đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm; đến năm 2015 đạt 4,5-5 tỷ USD và năm 2020 đạt 10 tỷ USD.

Khơi dậy động lực phát triển

Nhận thức rõ vai trò đặc biệt của Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của Khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ, xác định đây là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Giải pháp quan trọng hàng đầu đã được tỉnh xác định đó là cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung vào vấn đề cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa", "một đầu mối”, trong thu hút đầu tư với phương châm “đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, tin cậy”.

Các dự án đầu tư tại Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn được hưởng ưu đãi từ nguồn vốn đầu tư hạ tầng của ngân sách nhà nước, từ vốn huy động cũng như vốn từ quỹ đất khu KTCK theo quy định. Đối với các dự án không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn sẽ giúp nhà đầu tư thu thập các văn bản chính sách, pháp luật, hướng dẫn các thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Hàng năm tỉnh có kế hoạch đào tạo, tổ chức các khóa tập huấn về kinh doanh, quản lý dự án đầu tư để nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và quản lý dự án đầu tư. Hỗ trợ đào tạo lao động không quá 1,5 triệu đồng/người/khóa học đối với đối tượng là lao động địa phương trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo, hoặc đã qua đào tạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án. Các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt được ưu đãi đầu tư có chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn và các công nghệ để tạo ra sản phẩm mới… sẽ được tỉnh hỗ trợ 10% giá trị chuyển giao công nghệ và mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/dự án.

Tất cả các dự án đầu tư vào Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong 15 năm và có thể kéo dài nhưng không quá 30 năm; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho cả người Việt Nam và người nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan hay từ nước ngoài đưa vào khu phi thuế quan và từ khu phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng… Cùng với đó, tỉnh đã chủ động tập trung các quy hoạch tổng thể hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, giải quyết nhu cầu về mặt bằng, đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư tại khu KTCK; từng bước di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ra ngoài đô thị và khu đông dân cư.

Lạng Sơn đang tận dụng những lợi thế về điều kiện vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu quan trọng của tuyến hành lang kinh tế và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, những ưu đãi về cơ chế chính sách đầu tư, sự hợp tác liên vùng của các tỉnh..., phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn gắn với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và vững mạnh toàn diện.

Bài và ảnh: Thái Thuần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN