Kinh tế châu Âu: Gập ghềnh con đường hồi phục

Báo cáo mới đây của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý II/2014 đã chững lại, trong khi ba nền kinh tế “đầu tàu” là Đức, Pháp và Italy bị suy giảm hoặc đình trệ. Theo Eurostat, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone trong quý II/2014 vẫn không đổi so với quý I/2014, trong lúc nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) chỉ tăng trưởng 0,1% so với quý trước đó.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài châu Âu cho rằng những số liệu kinh tế kém tích cực mới đây có thể sẽ làm tăng sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc cần phải thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế đang “hụt hơi” trên toàn châu lục. Theo họ, kinh tế châu Âu đang ở tình thế rất khó khăn và cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ nếu không muốn lại rơi vào vòng xoáy suy giảm kinh tế như trong quá khứ.

Các “đầu tàu” hụt hơi


So với cùng kỳ năm 2013, GDP trong quý II/2014 của Eurozone và EU chỉ tăng trưởng lần lượt 0,7% và 1,2%. Trong bộ ba nền kinh tế hàng đầu Eurozone thì hai nền kinh tế Đức và Italy đều sụt giảm 0,2% còn kinh tế Pháp “đứng yên”.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Đức, việc mất cân bằng trong xuất khẩu và nhập khẩu, ngoại thương và đầu tư yếu kém cùng với xây dựng sụt giảm mạnh là những nguyên nhân khiến GDP của Đức trong quý I/2014 chỉ tăng 0,2%, thấp hơn mức tăng 0,7% của quý I/2014. Trong khi kinh tế Pháp tiếp tục trì trệ khi GDP quý II/2014 và ở mức 0%. Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cho hay đây là quý thứ hai liên tiếp GDP của Pháp “dậm chân tại chỗ”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).


Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nói, với tình trạng “án binh bất động” hiện nay, Pháp sẽ khó có thể đạt được mức tăng GDP 1% như dự báo được đưa ra ba tháng trước. Ông Sapin cho rằng nợ công của Pháp sẽ ở mức tương đương 4% GDP, cao hơn con số dự kiến 3,8% GDP và Pháp lại bỏ lỡ mục tiêu giảm nợ công xuống mức trần 3% GDP mà EU quy định.

Tuy vậy, tình cảnh của Đức và Pháp vẫn còn “khá khẩm” hơn so với Italy, khi nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone này đã rơi vào suy thoái lần thứ hai kể từ năm 2008 với GDP quý II/2014 giảm 0,2%. Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước Italy (Banca d'Italia) cho biết nợ công của Italy tính đến cuối tháng Sáu vừa qua đã lên mức cao kỷ lục 2.168 tỷ euro, tăng khoảng 40 tỷ euro so với cuối quý I/2014. Con số này tương đương 134% GDP, đưa Italy trở thành nước có mức nợ công cao thứ hai EU, chỉ sau Hy Lạp (174% GDP).

Cuối năm 2013, Banca d'Italia đã lên tiếng cảnh báo về việc nợ công ngày càng tăng lên đang trở thành mối nguy lớn đối với nền kinh tế nước này. Ủy ban Tài chính và Tiền tệ châu Âu cũng đã yêu cầu Italy phải cắt giảm chi tiêu để giảm nợ công và tránh để thâm hụt ngân sách vượt mức trần 3% GDP. Sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi đã tiến hành một số cải cách về chi tiêu trong chính phủ, Quốc hội và hệ thống hành chính công, song vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Khó khăn tiếp nối khó khăn

Tăng trưởng kinh tế của Eurozone vẫn còn quá thấp so với kỳ vọng của giới đầu tư. Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại các biện pháp trừng phạt hay trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của Eurozone. Nhà kinh tế Evelyn Herrmann thuộc BNP Paribas, cảnh báo nguy cơ suy giảm của kinh tế Eurozone sẽ cao hơn trong quý III/2014, chủ yếu do tình hình căng thẳng địa chính trị.

Ngay sau lệnh cấm nhập khẩu nông sản thực phẩm của các nước phương Tây do Nga đưa ra, các nước nhỏ ở châu Âu đã và đang bị tác động vì nền nông nghiệp của họ vốn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ ở Nga. Ước tính, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất nhất là Ba Lan, Latvia, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Bỉ với ước tính thiệt hại hơn 5 tỷ euro, còn tổng thiệt hại của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến lên tới hơn 12 tỷ euro.

Khách hàng chọn mua sữa tại một cửa hàng thực phẩm ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo các chuyên gia, căng thẳng giữa Nga và Ukraine là một trong những yếu tố chính kéo tăng trưởng kinh tế quý II/2014 của Eurozone về mức 0% do tâm lý các nhà đầu tư vào các thị trường của châu Âu trở nên bất an trước những lệnh cấm vận lần nhau giữa Nga và EU trong thời gian qua. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát thấp và tình trạng thất nghiệp kéo dài cũng là những khó khăn không nhỏ đối với kinh tế châu Âu.

Ông Jam Lambregts, Trưởng ban Kinh tế toàn cầu tại Rabo Bank, cho rằng chính những nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ những biện pháp kể trên của Nga và phương Tây. Mặc dù đà phục hồi kinh tế sẽ không thể ngừng trệ hoàn toàn nhưng chắc chắn kinh tế Đức sẽ chịu tác động bất lợi do những biến động chính trị. Chỉ số niềm tin kinh tế của Đức trong tháng Tám đã giảm từ 27,1 điểm xuống còn 8,6 điểm, mức thấp nhất trong 20 tháng qua.

Trong khi đó, kinh tế Pháp bị coi là “gót chân Achilles” của quá trình phục hồi kinh tế Eurozone, chủ yếu do tình trạng thất nghiệp và thâm hụt ngân sách. Số lao động thất nghiệp của Pháp đã đạt mức kỷ lục 3,4 triệu người trong tháng 6/2014, thâm hụt ngân sách đến cuối năm nay dự kiến sẽ là hơn 4% GDP. Theo ông Sapin, với tình hình tăng trưởng và lạm phát quá thấp, thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ không thể đạt được mục tiêu chỉ chiếm 3,8% GDP trong năm nay như dự kiến.

Còn tại Italy, một số chuyên gia cho rằng, từ bỏ đồng euro và quay trở lại đồng nội tệ có thể là một giải pháp cho tình thế khó khăn hiện nay của “đất nước hình chiếc ủng”. Theo ông Francesco Avalone thuộc Hiệp hội Tiêu dùng Italy , các chính sách kinh tế của chính phủ không mang lại hiệu quả, tiền lương thấp còn giá cả sinh hoạt quá đắt đỏ. Còn một số chuyên gia cho rằng, sử dụng chung hệ thống tiền tệ nhưng khác biệt về hệ thống lương bổng, phúc lợi xã hội khiến cho sức mua tại Italy giảm, sản xuất đình trệ, nạn thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế rơi vào suy thoái là hậu quả tất yếu.

Trước tình hình bất lợi trên, Italy và Pháp yêu cầu EU nên tập trung vào các giải pháp tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng thay vì chính sách thiên về cắt giảm nợ như hiện nay. Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Jens Weidmann cũng kêu gọi chính sách tiền tệ của Eurozone không nên làm suy yếu đồng euro và mỗi nước thành viên cần phải chú trọng đến các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Hy vọng le lói

Tuy vậy, không phải mọi chuyện đều u ám với kinh tế châu Âu. Các số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã chậm lại còn 0,4% trong tháng Bảy vừa qua, so với mục tiêu dưới 2% đã đề ra. ECB dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Eurozone ước đạt 1% năm 2014 và 1,7% năm 2015.

Ông Christian Schulz, nhà kinh tế cấp cao của châu Âu thuộc Berenberg Bank tại London (Vương quốc Anh), cho rằng nền kinh tế Đức về cơ bản vẫn mạnh mẽ và có thể dựa vào nhu cầu nội địa vững chắc để vượt qua một số tác động bên ngoài. Sự sụt giảm trong quý II/2014 của kinh tế Đức có thể chỉ mang tính tạm thời do sản lượng công nghiệp tăng trưởng ít hơn với số đơn đặt hàng giảm mạnh.


Trước ý kiến lo ngại kinh tế Đức có thể rơi vào trì trệ như Pháp, nhà kinh tế Carsten Brzeski của tập đoàn ING (Hà Lan), cho rằng điều này hiện tại khó có thể xảy ra vì nhu cầu tiêu dùng nội địa của Đức khá cao. Còn theo ngân hàng Bundesbank, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng trở lại trong quý III/2014. Dự kiến, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1,9% năm 2014 và 2% năm 2015.

Số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy sản xuất công nghiệp của Italy trong tháng 6/2014 và nửa đầu năm nay đều tăng 0,4%. Còn với dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 3,5% năm 2014 và 3% năm 2015, Vương quốc Anh đang hướng tới trở thành trung tâm chế tạo toàn cầu với lợi thế là nơi có chi phí sản xuất thấp nhất khu vực Tây Âu.

Hãng tin AFP (Pháp) cho hay Hy Lạp có thể là điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế ảm đạm của châu Âu. Nền kinh tế chìm trong nợ nần suốt sáu năm qua của Hy Lạp đã có những dấu hiệu cải thiện tích cực, củng cố niềm tin về việc nước này có thể thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trong năm 2014. Chính phủ Hy Lạp đang tìm kiếm một số giải pháp giảm nợ vào cuối năm nay để sau đó nước này có thể tự duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Còn theo công ty đầu tư quốc tế Henderson Global Investors, các doanh nghiệp châu Âu (không tính các công ty của Vương quốc Anh), đã chi trả 153,4 tỷ USD cổ tức trong quý II/2014, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2013. Đây cũng là số liệu tốt nhất trong 5 năm qua. Dự đoán, lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng 5,4% trong năm 2014, dù thấp hơn con số dự kiến tăng 11,8% đưa ra hồi đầu năm, song vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn kinh tế suy giảm 2009-2013. Vì vậy, ông Talib Sheikh, nhà quản lý quỹ của J.P. Morgan Asset Managemnet, kết luận: “Thị trường chứng khoán châu Âu hiện khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”.


Anh Quân (Tổng hợp)
Nông dân châu Âu điêu đứng vì Nga cấm nhập khẩu
Nông dân châu Âu điêu đứng vì Nga cấm nhập khẩu

Sau khi Chính phủ Nga công bố các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả việc cấm nhập khẩu nông sản, nhiều quốc gia châu Âu thừa nhận đang chịu thiệt hại nghiêm trọng do quyết định trên của Moskva.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN