Kinh tế châu Á đối mặt nguy cơ ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 16/4 cảnh báo kinh tế châu Á trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm, do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra những tác động “chưa từng có tiền lệ” đối với lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu. 

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 30/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo của IMF, nền kinh tế châu Á trong năm 2020 có thể sẽ không tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm qua. Nếu các biện pháp khống chế dịch bệnh phát huy hiệu quả, tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2021 có thể đạt 7,6%. Tuy nhiên, IMF bày tỏ sự không chắc chắn đối với triển vọng này. 

Cũng theo thể chế tài chính này, không giống cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch COVID-19 đã “giáng một đòn” mạnh và trực tiếp đến lĩnh vực dịch vụ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, buộc người dân phải ở nhà còn các cửa hàng phải đóng cửa hoạt động. Các cường quốc xuất khẩu của khu vực cũng đang phải hứng chịu nhu cầu hàng hóa sụt giảm từ các đối tác thương mại chính trong đó có Mỹ và các nước châu Âu.

IMF cho rằng do xuất khẩu giảm sút và hoạt động trong nước tổn thất bởi các biện pháp giãn cách xã hội, nền kinh tế Trung Quốc có thể chỉ chứng kiến mức tăng trưởng 1,2% trong năm 2020, giảm mạnh so với mức 6% được thể chế này đưa ra trong dự báo hồi tháng 1. Tuy nhiên, theo IMF, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể khôi phục lại hoạt động vào cuối năm nay, với mức tăng trưởng bật tới 9,2% trong năm 2021. Dẫu vậy, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và làm chậm quá trình khôi phục sản xuất. 

Phát biểu trực tuyến với báo giới, ông Changyong Rhee Giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định hiện là giai đoạn đầy bất ổn và thách thức đối với kinh tế toàn cầu trong đó có cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tác động của dịch COVID-19 đối với khu vực này sẽ rất nghiêm trọng, diễn ra trên toàn khu vực và chưa từng có tiền lệ.

Do đó, các nước châu Á cần tận dụng mọi công cụ chính sách để ứng phó với tình hình hiện nay. Các nhà hoạt định chính sách của khu vực cần hỗ trợ trực tiếp những hộ gia đình và công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp hạn chế sự lây lan của COVID-19, cũng như cần cung cấp thanh khoản dồi dào cho các thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết tình trạng căng thẳng tài chính.

Cũng theo ông Rhee, việc cung cấp tiền mặt trực tiếp cho người dân, như một phần trong gói cứu trợ của Mỹ, có thể không phải là chính sách tối ưu đối với nhiều nước châu Á - vốn cần tập trung ngăn chặn tình trạng phá sản của các doanh nghiệp nhỏ cũng như tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dơng cũng cần tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các thể chế đa phương, sử dụng biện pháp kiểm soát vốn khi cần nhằm đối phó với dòng vốn ra bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch.

Ngọc Hà (TTXVN)
Kinh tế Đức có thể suy thoái tới giữa năm nay do dịch COVID-19
Kinh tế Đức có thể suy thoái tới giữa năm nay do dịch COVID-19

Trong tháng Ba vừa qua, nền kinh tế Đức đã chìm vào suy thoái khi sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có khả năng kéo dài tới giữa năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN