Kinh tế 2021 sẽ đạt mục tiêu dựa trên nền tảng khá vững chắc

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tin tưởng rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ đạt được mục tiêu 6% do Quốc hội đề ra.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH dệt Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Với kết quả GDP năm 2020 của Việt Nam ước tính tăng 2,91%, đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, dự báo kinh tế thế giới năm 2021 tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại do những khó khăn, thách thức ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Với kinh nghiệm điều hành kinh tế trong những năm qua của Chính phủ; với môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh, nền tảng kinh tế khá vững chắc, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang được phát huy; môi trường chính trị ổn định, an ninh, an toàn... Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tin rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ đạt được mục tiêu 6% do Quốc hội đề ra.     

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Xin bà cho biết những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và cho biết những ngành lĩnh vực nào khởi sắc giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2020?

Kinh tế - xã hội năm 2020 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kết quả GDP năm 2020 của nước ta ước tính tăng 2,91%, đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Trong bức tranh chung của nền kinh tế, nổi lên một số điểm sáng như: trong các ngành, lĩnh vực có đóng góp chính cho tăng trưởng năm 2020 phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là động lực tăng trưởng kinh tế với mức tăng 5,82%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, đặc biệt trong quý IV ngành này đạt mức tăng trưởng khá cao 8,6%.

Tiếp đến vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt được 91,1% kế hoạch năm 2020 và tăng 34,5% so với năm 2019, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm nay đã thiết lập kỷ lục mới với 543,9 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất từ trước đến nay, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế năm 2020; đồng thời, sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trong năm 2021.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch, trong đó năng suất các loại cây trồng đạt khá, lúa các vụ được mùa, được giá; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; đàn lợn đang dần khôi phục.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi. Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sang 6 tháng cuối năm đã đạt mức tăng 6,2%, do đó tính chung cả năm 2020 tăng 2,6% so với năm trước.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH Công Nghiệp Nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) xuất 3 thiết bị khử mặn khổng lồ có tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn sang Vương quốc Bahrain. Ảnh: TTXVN

Ngành thống kê đã có những đóng góp gì trong tham mưu để Chính phủ đạt được những kết quả tốt trong điều hành kinh tế năm 2020, thưa bà?

Năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, để phục vụ công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã chủ động biên soạn cáo ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.

Cùng với đó, ngành Thống kê đã tổ chức 2 cuộc điều tra đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp qua đó cung cấp thông tin giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; đồng thời, xây dựng các kịch bản điều hành giá báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước biến động khó lường của thị trường thế giới, của dịch bệnh, tình hình thời tiết trong nước. Kết quả là lạm phát ở mức 3,23%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2021 tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại do những khó khăn, thách thức ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Vậy thưa bà, dự báo những ngành, lĩnh vực nào sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2021 của nước ta?

Đại dịch COVID-19 hiện đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp với các biến thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu tới đời sống và phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Đối với Việt Nam, với các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả đã tạo được lòng tin của người dân và bạn bè quốc tế. Với những tiền đề như vậy, có thểthấy một số điểm sáng của kinh tế nước ta như: công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện điện tử với việc mở rộng quy mô sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngành xây dựng cũng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020, với các dự án đường cao tốc đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2021. Tận dụng được được lợi thế từ hiệp định EVFTA, hoạt động xuất khẩu sang EU sẽ có nhiều khởi sắc với các mặt hàng nông thủy sản quan trọng như tôm, trái cây, cà phê… cùng với các mặt hàng chủ lực hàng dệt may và giày dép. Phát huy những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục là điểm sáng trong đóng góp vào tăng trưởng của nước ta.

Với quy mô dân số gần 97,6 triệu người và bằng các chính sách kích cầu đa dạng thì ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm cũng sẽ là điểm sáng của năm 2021. Ngoài ra, theo báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020 do Brand Finance công bố, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2020 tăng 29% (nhanh nhất thế giới), đạt mức 319 tỷ USD. Xếp hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ thứ hạng 42 năm 2019 lên thứ hạng 33 năm 2020, theo đó hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài sẽ khởi sắc trong những năm tới.

Chú thích ảnh
 Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đạt mức giá cao kỷ lục, năm 2020, kim ngạch ước đạt trên 3 tỉ USD. Ảnh: TTXVN

Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, mục tiêu kinh tế năm 2021 sẽ có vai trò như thế nào trong giai đoạn 2021-2025. Theo bà những giải pháp nào cần đặt ra để năm 2021 đạt được mục tiêu tăng trưởng?

Ngày 11/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; trong đó, nêu rõ tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6%. Năm 2021 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - hội giai đoạn 2021-2025, do đó, việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế do Quốc hội đề ra có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, tôi cho rằng cùng với việc giữ ổn định môi trường phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo nền tảng quan trọng cho phát triển, trước tiên, Chính phủ cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam; đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần xây dựng định hướng cụ thể về thị trường đầu ra trên cơ sở đẩy mạnh mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm nông sản sạch theo các hợp đồng bao tiêu ổn định và có tính pháp lý cao là yếu tố quan trọng bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp đứng vững…

Xin trân trọng cám ơn bà!

Thúy Hiền/TTXVN (thực hiện)
 GDP đạt mức tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới
GDP đạt mức tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước, được xem là nỗ lực lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN