Kiến nghị 'cởi trói' cho các doanh nghiệp dầu khí

Ngày 30/8, đoàn công tác của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã làm việc với các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã kiến nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.

Chú thích ảnh
Giàn công nghệ trung tâm số 2 của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo ông Hồng, trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã yêu cầu Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế đặc thù cho hoạt động dầu khí; đồng thời cho phép dầu khí được để lại trên 30% lãi dầu khí và lãi cổ phần hoá cho hoạt động dầu khí.

Tuy nhiên sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, công tác hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện phát triển cho ngành dầu khí còn chậm. Hầu hết các bộ ngành chưa ủng hộ cơ chế cho PVN thực hiện các mục tiêu chiến lược do lo ngại về việc tạo sự không bình đẳng so với các doanh nghiệp khác và việc kiểm soát hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại PVN.

Chính sự chậm chễ trong thực hiện Nghị quyết này đang gây ra những khó khăn cho PVN và các đơn vị thành viên trong hoạt động; trong đó Nghị định về Quy chế tài chính của Công ty mẹ PVN chưa được phê duyệt dẫn tới không có đủ nguồn vốn thực hiện tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Trong khi đó, tương lai của ngành dầu khí phụ thuộc vào việc tìm kiếm thăm dò dầu khí và gia tăng trữ lượng.

Tại buổi làm việc này, nhiều đơn vị thành viên của PVN như PV Drilling, PVC, PTSC đã kiến nghị sửa đổi các bất cập trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Dầu khí…nhằm “cởi trói” cho các doanh nghiệp dầu khí hoạt động bởi các bất cập này đang làm cho doanh nghiệp Việt “thua” doanh nghiệp nước ngoài ngay chính trên sân nhà.

Một bất cập rõ nhất là các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài khi vào tham gia đấu thầu các hợp đồng dầu khí chỉ phải nộp các loại thuế ở mức 5%, chỉ bằng một nửa số thuế mà các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam phải nộp, Chủ tịch PV Drilling Đỗ Văn Khạnh cho biết.

Trong khi đó, khi giá dầu sụt giảm thì các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Brunei… đều có những chính sách bảo hộ doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài dù trúng thầu cũng chỉ có thể tham gia tối đa 25% khối lượng công việc, còn lại phải sử dụng nhân lực vật lực của nước sở tại.

Ghi nhận những ý kiến của các đơn vị thành viên PVN, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, Uỷ ban đang tìm hiểu tình hình thực tế và thu thập các ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm triển khai Nghị Quyết 41 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển Dầu khí. Theo đó, trong thời gian tới, các bất cập này sẽ được xem xét để trình lên Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Anh Nguyễn (TTXVN)
Thông tấn xã Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác
Thông tấn xã Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác

Chiều ngày 23/5, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thỏa thuận hợp tác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN