Kiểm tra tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Bình Thuận

Ngày 14/4, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế tiến độ thi công Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải nghe báo cáo tiến độ thi công của tuyến cao tốc qua địa bàn Bình Thuận.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160,3 km, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dài 12 km), đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 47,5 km).

Dự án qua địa bàn của 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân với 2.684 hộ gia đình và tổ chức, 1.221 ha đất bị ảnh hưởng; xây dựng 5 khu tái định cư để bố trí tái định cư cho 149 hộ dân.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận, đến nay, việc giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành 100% bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 2.684/2.684 hộ gia đình và tổ chức; hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư cho người dân; hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến mặt bằng thi công của dự án gồm: Hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống viễn thông, điện trung hạ thế, điện cao thế 110 kV... Hiện nay, các đơn vị đang triển khai di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện cao thế 500 kV, 220 kV thuộc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Quá trình thi công di dời đường dây điện không ảnh hưởng đến khai thác của 2 tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện việc thu hồi đất trên địa bàn huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc do bổ sung đường gom, nhà điều hành và mở rộng cầu vượt ĐT.711 vẫn chưa hoàn thành và đang tiến hành khẩn trương, do hệ số giá đất chưa được phê duyệt. Các hộ phát sinh thu hồi đất ở 2 huyện này là 143 hộ và 2 tổ chức; hiện đã có 103 hộ và 2 tổ chức đồng ý bàn giao mặt bằng trước, còn 23 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

Về vật liệu đất đắp phục vụ thi công dự án, đến nay, UBND tỉnh đã cấp phép được 5 mỏ tại huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, còn lại 1 mỏ (huyện Bắc Bình) chưa cấp phép do nhà thầu chưa chấp hành đầy đủ các quy định theo Giấy phép khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp trước đây. Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với doanh nghiệp vào ngày 7/4/2023 để đôn đốc nộp các khoản tiền còn nợ nêu trên để trình UBND tỉnh cho phép tiếp tục khai thác.

Khối lượng thi công đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tới nay đạt gần 83% giá trị hợp đồng; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, tiến độ thi công đạt khoảng 95% giá trị hợp đồng. Chủ đầu tư, đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc còn lại để kịp tiến độ đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023.

Chú thích ảnh
Các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các công trình phụ còn lại của tuyến cao tốc qua địa bàn Bình Thuận.

Phát biểu trong chuyến kiểm tra cao tốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá tầm quan trọng của tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận. Dự án hoàn thành sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và Đông Nam bộ. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương khắc phục những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình, phấn đấu hoàn thiện tuyến chính trước 30/4/2023.

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị đảm bảo thi công các đường gom, cầu vượt dân sinh, bổ sung thêm các vị trí đường gom để đảm bảo việc đi lại cho người dân khi tuyến cao tốc đưa vào khai thác, sử dụng. Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Đối với dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, khi vấn đề đất đắp đã được tháo gỡ, nhà thầu phải tập trung nguồn lực để thi công hoàn thành đảm báo tiến độ theo yêu cầu đề ra.

Tại buổi kiểm tra, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sửa chữa hư hỏng các tuyến đường địa phương và công trình thủy lợi do thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đây là vấn đề cử tri bức xúc và nhiều lần kiến nghị, do vậy để đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các ban quản lý dự án quan tâm sớm thực hiện.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc - Nam
Chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc - Nam

Bộ Giao thông vận tải cho biết vừa có văn bản giao các Ban quản lý dự án khẩn trương lập danh mục công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN