Giá "leo thang" liên tục
Tổng hợp giá giao dịch căn hộ chung cư tại hai thị trường này cho thấy: Giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội tăng khoảng 2-3% so với quý IV/2020. tại TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 3-4%. Tỷ lệ tăng giá ở mỗi loại căn hộ chung cư tương đối khác nhau. Trong đó, các căn hộ bình dân có tỷ lệ tăng giá mạnh nhất, kế tiếp là căn hộ trung cấp. Căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, các dự án có căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu hầu như không có, chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng hạn chế.
Tại Hà Nội có một số ít dự án nhà ở xã hội với mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 mở bán như: Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì, CT3-CT4 Kim Chung, Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế-Chèm, Tòa 19T4 nhà ở xã hội Lucky House phường Kiến Hưng, quận Hà Đông… và một số dự án nhà ở thương mại giá thấp như dự án Phú Thịnh Green Park, Hà Đông, chung cư Tasco Xuân Phương. Tại TP Hồ Chí Minh thì hầu như không có dự án có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2...
Tại Hà Nội, đa số dự án chung cư mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc căn hộ trung cấp có mức giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2. Các dự án này tập trung nhiều tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm... Tại TP Hồ Chí Minh, chung cư phân khúc trung cấp có giá cao hơn thị trường Hà Nội, dao động từ khoảng 35-45 triệu đồng/m2.
Ở phân khúc căn hộ cao cấp có mức giá trên 50-80 triệu đồng/m2, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án mới được đầu tư xây dựng với chất lượng cao, trang thiết bị hạng sang, thiết lập mức giá cao như: Chung cư cao cấp The Nine Phạm Văn Đồng, The Matrix One , D’. Le Roi Soleil-Quảng An, Grandeur Palace Giảng Võ, The Tresor-Quận 4, Saigon Royal-Quận 4, Sadora-Quận 2...
Lũy kế của sự tăng giá liên tục làm cho giá các loại căn hộ thay đổi đáng kể. Có những dự án, căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khu trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trước năm 2020, giá nhà ở tại các đô thị lớn ổn định, đi lên thấp, tăng khoảng 23%/năm. Nhưng hiện tại, giá nhà tại Hà Nôi và TP Hồ Chí Minh đang tăng đột biến, có những dự án từ năm 2020 đã tăng lên khoảng 10-15%. Việc khan hiếm nguồn cung dự án tốt trong bối cảnh lực cầu mạnh tại các đô thị là nguyên nhân chính làm tăng giá trên thị trường.
"Nguyên nhân khiến giá nhà ở tại Việt Nam không giảm trong bối cảnh dịch COVID-19 là do đây vẫn là kênh đầu tư hiệu quả. Nhà đầu tư vẫn thấy cơ hội đầu tư đối với các phân khúc BĐS, trong khi nhu cầu có, nguồn cung giảm, nên giá cả tăng", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định.
Kiểm soát giá để thị trường đi đúng hướng
Theo các chuyên gia BĐS, năm 2020, nguồn cung đưa ra thị trường giảm 34% về dự án và 30% về số lượng căn hộ so với năm 2019. Cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường và đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ căn hộ bình dân giảm xuống còn 51%, trong khi căn hộ trung cấp lại tăng từ 23-57%, cao cấp tăng từ 25-42%. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu khiến việc phát triển thiếu bền vững. Vì thế, thị trường BĐS cần cân bằng lại phân khúc căn hộ bình dân, đạt mức giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng, để sản phẩm này phải chiếm tỷ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp và giảm tỷ lệ căn hộ cao cấp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cần sớm xem xét ban hành các văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường BĐS như: Sắp xếp, xử lý tài sản công; phát triển và quản lý nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; ban hành Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp... để kiểm soát giá. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS cần tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, xây dựng uy tín, cùng nhau kiểm soát giá nhà, không để tình trạng tăng nóng, tăng giá ảo trong năm 2021.
Ngoài ra, Sở Xây dựng các địa phương cần tăng cường kiểm soát để thị trường đi đúng hướng, nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường BĐS, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra “sốt” giá và tình trạng “bong bóng”.
Còn theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, hiện tượng sốt giá BĐS cục bộ vẫn đang xảy ra tại các thành phố lớn, những vùng có cơ hội phát triển thị trường mới. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng sốt đất là đánh thuế lũy tiến với thuế suất cao vào những trường hợp nhận chuyền quyền BĐS rồi chuyển quyền ngay. Để có một thị trường BĐS phát triển bền vững, công bằng và lành mạnh, các cấp quản lý không thể đứng ngoài cuộc, mà cần có công cụ hạn chế việc đầu cơ địa ốc gây nhiễu loạn thị trường bằng các biện pháp cứng rắn, khoa học. Một thị trường BĐS lành mạnh sẽ không có cơ hội cho những nhóm đầu cơ hoạt động công khai, sự tăng giá trên thị trường suy cho cùng phải gắn với giá trị đầu tư thật.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng: Tăng cường vai trò định hướng, quản lý, điều tiết thị trường BĐS của Nhà nước, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Các BĐS trước khi đưa vào kinh doanh phải báo cáo đầy đủ thông tin đến cơ quan quản lý nhà và thị trường BĐS. Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thành các chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá thấp, từ đó tạo nhiều nguồn cung nhà ở giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân đô thị.