Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô. Tuy vậy, người dân cũng phải là người tiêu dùng thông thái, quyết tâm hơn trong việc “tẩy chay” những dịch vụ, sản phẩm hàng hóa có giá bán bất hợp lý.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, bên cạnh những doanh nghiệp vận tải đã giảm giá cước, kê khai giá với sở GTVT và sở Tài chính, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các sở ban ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước tại địa phương. Theo đó, đối với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá cước, các sở chức năng phải có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp tính toán lại giá thành vận tải và kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Nếu không kê khai lại giá theo thời hạn nhất định, các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt. Kê khai chiếu lệ sẽ bị kiểm tra yếu tố làm giá. “Có thông tin báo chí đưa ra, các hãng vận tải bắt tay nhau không giảm giá nếu có thật, tức là các doanh nghiệp này vi phạm Luật Cạnh tranh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Hàng hóa giảm giá mới hút được khách. Ảnh minh họa: Siêu thị Coop.mart Thanh Hà. Ảnh: Lê Phú |
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải (HHVT) ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đề xuất: Trước mắt, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần công khai doanh nghiệp nào không chịu giảm giá cước để “bêu xấu” và biểu dương doanh nghiệp giảm giá sâu. Thời gian tới, nếu doanh nghiệp nào không giảm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tẩy chay.
Còn phía HHVT Hà Nội khẳng định: Nếu sau ngày 15/1, các doanh nghiệp vận tải vẫn không giảm giá cước, Hiệp hội sẽ nêu rõ những bất hợp lý trong việc kê khai giá cước vận tải của từng doanh nghiệp; đồng thời gửi tới cơ quan chức năng để có sự can thiệp kịp thời, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
PGS.TS - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Để chữa căn bệnh “chần chừ” khi giảm giá, các cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp thanh tra các yếu tố đầu vào thật chặt chẽ. Thậm chí phải áp dụng các biện pháp hành chính để điều chỉnh, đảm bảo công bằng giữa các bên. Còn người tiêu dùng cũng cần tính toán khi mua hàng, lựa chọn các phương tiện vận tải với những hãng có giá cả hợp lý, cương quyết tẩy chay đối với các đơn vị không chịu giảm giá hợp lý.
Liên quan tới việc quản lý giá cả hàng hóa, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: Năm 2014, tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ ước tăng 6,5% nhưng chưa thể vội mừng với con số này bởi tồn kho của doanh nghiệp hiện rất lớn. Vì vậy, mặc dù dự báo sức tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tới đây sẽ tăng 5 - 10% song sẽ không thể vượt qua doanh số của cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh như vậy, nếu doanh nghiệp không chớp lấy thời cơ cuối năm kèm theo việc giá xăng giảm mạnh để điều chỉnh giá bán, thu hút khách thì sẽ mất cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và tăng doanh thu vào dịp mua sắm lớn nhất trong năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổng công ty lớn cũng phải cải thiện khâu tiêu thụ hàng hóa để giảm chi phí; tăng cường chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ, người sản xuất và nông dân để các bên đều có lợi.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vissan cho biết: Để kích cầu, bình ổn giá cả, Vissan đã có những chương trình khuyến mại, giảm giá cho các đơn hàng để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. "Thời gian qua, nhịp độ và đợt giảm nhiên liệu khá sâu. Do chi phí vận chuyển chỉ chiếm rất nhỏ trong tổng chi phí nhưng nếu nguồn nguyên liệu đầu vào giảm xuống, chắc chắn chúng tôi sẽ giảm theo”, ông Mười khẳng định.
Minh Phương- Tiến Hiếu (thực hiện )