Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) nhấn mạnh, ngành gia cầm Việt Nam không những góp phần giải quyết sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân mà còn đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua.
Các điểm nhấn của ngành gia cầm đó là luôn duy trì sự tăng trưởng cao cả về đầu con, sản lượng, giá trị sản xuất; tiếp cận nhanh và ứng dụng các công nghệ sản xuất hiện đại; quy mô chăn nuôi công nghiệp ngày càng được mở rộng, đáp ứng đủ nhu cầu thịt trứng gia cầm trong nước.
Tuy nhiên, ngành gia cầm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là sự bấp bênh và khó đoán định về thị trường tiêu thụ; dịch bệnh vẫn là mối lo thường trực, bên cạnh các bệnh mới nổi thì một số bệnh kinh điển trên gia cầm vẫn chưa kiểm soát được triệt để; trong đó, có bệnh bạch lỵ và thương hàn do vi khuẩn Salmonella và E. Coli gây ra. Đây là nguyên nhân gây tỷ lệ chết cao ở đàn gà bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong khi đó bệnh E. Coli ở gà do Escherichia E.coli gây ra và thường nhiễm kế phát bởi các virus gây ra bệnh hô hấp, tiêu hóa.
Vi khuẩn E. Coli luôn thường trực trong cơ thể gà và có thể phát bệnh, bùng dịch bất kỳ lúc nào, triệu chứng bệnh E. Coli không dễ phát hiện. Bệnh xảy ra ở tất cả các loại gà và ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, việc kiểm soát lây nhiễm Salmonella, E. Coli trong chăn nuôi gia cầm là một bài toán khó. Phương pháp khống chế các chủng vi khuẩn này trên gia cầm hiện được áp dụng phổ biến là sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng kháng kháng sinh đang có xu hướng gia tăng, khiến hiệu quả sử dụng kháng sinh cho vật nuôi bị giảm. Thêm vào đó, sự nỗ lực giảm kháng sinh trong chăn nuôi theo chủ trương của Nhà nước sẽ là bài toán khó cho các nhà sản xuất trong việc kiểm soát Salmonella, E. Coli.
Việc sử dụng vắc xin có thể giúp kiểm soát Salmonella, E. Coli nhưng sẽ gia tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, việc đưa các giải pháp đồng bộ về phòng bệnh và các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn xét nghiệm Salmonella, E. Coli trong các sản phẩm thịt trứng nhằm khuyến khích các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu tìm kiếm một giải pháp bền vững cả trong chăn nuôi và vì sức khỏe cộng đồng là yêu cầu cấp thiết.
Ông Vishwas, Giám đốc Sản phẩm dinh dưỡng cho sức khỏe vật nuôi khu vực châu Á cho rằng, từ trước đến nay, kháng sinh đã được sử dụng để điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn Salmonella ở gia cầm. Việc này, hiện đang phải đối mặt với những thách thức do sự xuất hiện của các chủng kháng kháng sinh và sự phát triển của cơ chế kháng thuốc ở vi khuẩn. Ông Vishwas đưa ra thông điệp quan trọng là không những phải kiểm soát chặt chẽ Salmonella, E.Coli trong sản xuất chăn nuôi, mà cả trong giết mổ ngay tại trong nước, kể cả đối với các sản phẩm thịt nhập khẩu từ các quốc gia khác, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xẩy ra tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.
Để kiểm soát Salmonella, E.coli trên gia cầm, ông Vishwas đưa ra một số chiến lược đang được ứng dụng: kiểm soát an toàn sinh học; axit hữu cơ. Ông Vishwas đã chia sẻ cụ thể về giải pháp của Adisseo: giải pháp này nhằm tạo môi trường bất lợi cho vi khuẩn gây hại; tăng cường tính toàn vẹn cho sức khỏe đường ruột bằng các sản phẩm chứa axit béo mạch ngắn (SCFA): FRA® Monobutyrin Liquid… nhằm giảm sự tăng lên của hại khuẩn và tạo a mội trường bất lợi cho sự bám dính nhân lên của mầm bệnh.
Ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc công ty Greenvet cũng chia sẻ ứng dụng Butyrate Môno Glyceride. Giải pháp hiệu quả kiểm soát vi khuẩn E. Coli và Salmonella trong chăn nuôi gia cầm, ưu điểm bảo đảm an toàn thực phẩm.