Khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Nam Phi

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản tiền đặt cọc tùy theo từng mặt hàng, để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng.

Hàng hóa xuất khẩu qua chi nhánh cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho biết, thời gian gần đây không ít doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra e ngại bởi khách hàng ở châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng thường đề nghị thanh toán theo hình thức trả tiền bằng điện (TT) hoặc giao tiền sẽ giao chứng từ (D/P) trả chậm, giao thành tại cảng đến và không mở thư tín dụng (L/C).

Do đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản tiền đặt cọc (deposit). Tùy từng mặt hàng, doanh nghiệp cần đưa ra các mức phần trăm deposit để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng và tốt nhất là 30% trở lên.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Bên cạnh đó, tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Document Acceptance - nhờ thu chấp nhận chứng từ) đối với các khách hàng ở châu Phi bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, Bộ Công Thương cũng như Thương vụ Việt Nam tại các nước khu vực châu Phi đã nhiều lần hỗ trợ xử lý các sự vụ lừa đảo trong mua bán với các đối tác qua mạng internet.

Không những vậy, Thương vụ cũng đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo về hiện tượng lừa đảo thương mại trên mạng đồng thời nêu đích danh các tổ chức, cá nhân lừa đảo ở khu vực này. Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên vẫn có một số doanh nghiệp Việt Nam bị lừa mất tiền.

Theo khuyến cáo của Thương vụ, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách, khảo sát thị trường do Bộ Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại tổ chức.

Mặt khác, tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế, các cuộc hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp song phương. Đây là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thị trường, gặp gỡ đối tác một cách trực tiếp.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh trên các trang web chính thức như trang www.vietnamexport.com, trang www.moit.gov.vn của Bộ Công Thương Việt Nam, trang www.vinafrica.com của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cũng như các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi và Nam Phi. Đáng lưu ý, hết sức hạn chế việc tìm kiếm và giao dịch với khách hàng qua các trang mạng quốc tế.

Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi làm việc với các đối tác Nam Phi do không hiểu văn hóa kinh doanh. Điều này đã dẫn đến những hiểu lầm không đáng có như chậm cập nhật thông tin về các chính sách, tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, làm giảm tính cạnh tranh của hàng Việt Nam tại nước sở tại.

Vì thế, Thương vụ cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đầu tư nghiên cứu thị trường, tìm hiểu quy định xuất nhập khẩu, văn hoá kinh doanh, tuyển cán bộ thạo ngoại ngữ và phải kiên trì.

Doanh nghiệp cũng cần xác định tâm lý trước khi  ký kết một hợp đồng, cần mất khoảng thời gian từ vài tháng đến nửa năm, thậm chí lâu hơn. Với các đối tác, cần gặp mặt trực tiếp, thiết lập quan hệ thân thiết trước khi tiến hành kinh doanh.

Thương vụ cũng chỉ ra khó khăn về thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang châu Phi bằng đường biển thường mất từ 1 - 1,5 tháng, dẫn đến chi phí vận tải cao. Hơn nữa, việc thiếu các tuyến đường hàng không trực tiếp dẫn đến giá vé máy bay đi châu Phi cũng cao và thời gian kéo dài. Do vậy, doanh nghiệp nên kết hợp giữa xuất khẩu và nhập khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Có thể thấy, việc gắn xuất khẩu với nhập khẩu từ thị trường khu vực chưa được như mong muốn trong khi châu Phi là nơi cung ứng nhiều loại nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều mặt hàng các doanh nghiệp có thể kết hợp nhập khẩu từ khu vực này; trong đó đáng chú ý là gỗ, bông, hạt điều sẽ giúp giảm giá cước vận chuyển.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu đầu tư sản xuất hàng hóa, hoặc chế biến tại nước sở tại để tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu dồi dào, phục vụ tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu sang các nước trong khu vực, sang EU, Hoa Kỳ nơi mà hàng hóa có xuất xứ từ Nam Phi được hưởng ưu đãi về thuế suất.

Uyên Hương (TTXVN)
Thuế chống phá giá của Mỹ không ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra Việt Nam
Thuế chống phá giá của Mỹ không ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra Việt Nam

Bộ thương mại Mỹ (DOC) vừa có thông báo sơ bộ về quyết định xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã gây hoang mang cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN