Không để lợi ích nhóm chi phối

Lộ trình thoái vốn Nhà nước và việc sử dụng nguồn vốn này ra sao để phát huy hiệu quả đang được dư luận rất quan tâm.

Đấu giá công khai, minh bạch

Theo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), việc thoái vốn nhà nước là một quá trình nhiều thử thách, một trong những yếu tố là do lợi ích nhóm chi phối. Như với trường hợp của Công ty CP Du lịch Đồ Sơn, công ty này có 55,63% vốn nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm đại diện chủ sở hữu, được cổ phần hóa vào năm 2011. Sau cổ phần hóa, trong 2 năm liền, công ty không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên nào do khiếu kiện giữa các nhóm cổ đông xảy ra triền miên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) có nhiều quỹ đất ở vị thế đắc địa nhưng chủ yếu cho thuê mặt bằng với các hợp đồng được ký tùy tiện, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và hiệu quả kinh doanh kém. Khi tiếp nhận vốn nhà nước tại Công ty CP Du lịch Đồ Sơn, SCIC đã phân loại DN này vào nhóm DN thoái vốn toàn bộ.

Vận chuyển sản phẩm bia Sài Gòn. Ảnh: Công Thử – TTXVN

Sau đó SCIC đã cử cán bộ biệt phái tại DN, rà soát lại và chấn chỉnh toàn bộ hoạt động kinh doanh. Nhờ đó, Công ty CP Du lịch Đồ Sơn đã cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 28% vào năm 2014, mức tăng trưởng mạnh mẽ so với nhiều năm trước. Trên cơ sở hoạt động kinh doanh đã ổn định cộng với lợi thế vị trí mặt biển của công ty, SCIC đã xác định giá trị DN ở mức cao nhất dựa trên kết quả của các phương pháp do đơn vị tư vấn đưa ra để làm giá khởi điểm đấu giá là 70.400 đồng/cổ phần. Kết quả, SCIC đã thực hiện chuyển nhượng cho nhà đầu tư với giá trúng là 336.600 đồng/cổ phần, thu về 151,63 tỷ đồng.

Điểm chung của những thương vụ bán vốn trên là lựa chọn thời điểm bán phù hợp, tổ chức đấu giá công khai, minh bạch hoặc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù như bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược…

Tạo nguồn thu tối đa cho ngân sách

Tuy nhiên, không phải DN Nhà nước (DNNN) nào cũng có thể thực hiện thoái vốn dễ dàng dù quy chế, công tác chuẩn bị thoái vốn đã thực hiện từ lâu. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân một phần là cơ hội để thực hiện thoái vốn chưa phải là thời gian phù hợp do thời gian qua thị trường chứng khoán ảm đạm, dòng tiền vào thị trường yếu, nhiều cổ phiếu có giá giao dịch trên thị trường thấp hơn mệnh giá, thậm chí không ít cổ phiếu không có giao dịch. Nhưng, nguyên nhân lớn hơn là việc thoái vốn của các DNNN sẽ đụng chạm vào không ít các cổ đông lớn đang nắm quyền lực tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Do đó, các cổ đông này cố tình kéo dài thời gian thoái vốn vì sợ mất đi quyền lợi của chính mình.

Một khó khăn nữa các DNNN gặp phải là các khoản đầu tư vào các công ty, dự án đang trong quá trình đầu tư nên không xác định được giá bán, thậm chí còn phải bù lỗ cho các DN ngoài ngành. Điển hình như Sabeco, theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2016, DN này đang có 791 tỷ đồng đầu tư vào các đơn vị khác. Đáng lưu ý, Sabeco phải trích lập lên tới 429 tỷ đồng (chiếm tới 54% tổng số tiền đầu tư) vào các đơn vị đang đầu tư như Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Đông Á, Quỹ đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2, Ngân hàng XNK Việt Nam, CTCP Chứng khoán Đại Việt…

Hơn nữa, để thực hiện thoái vốn các DN buộc phải lên sàn. Thế nhưng, theo TS Bùi Quang Tín, hệ thống quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro hay quản trị công nghệ thông tin của các DNNN vẫn còn chưa được đầu tư đúng mức nên cũng dẫn đến việc chậm niêm yết lên sàn, điều này cũng hạn chế cơ hội để chọn lựa các nhà đầu tư để có thể bán cổ phần có giá hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên sớm đẩy nhanh thoái vốn bán những DN hoạt động kém hiệu quả và chấp nhận cắt lỗ, bán đứt. Còn những DN làm ăn hiệu quả nhưng hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ thì vẫn cần thoái vốn.
Hải Yên
Bán vốn Vinamilk ngay trong năm nay
Bán vốn Vinamilk ngay trong năm nay

Ngày 14/9, tại buổi trao đổi với các cơ quan báo chí, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết sẽ triển khai bán vốn của Vinamilk trong năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN