Hà Nội hiện có khoảng 41,6 triệu con gia cầm, 1,5 triệu con lợn, 29.000 con trâu, 129.000 con bò. Thành phố Hà Nội cũng có tới 6.515 trang trại chăn nuôi; trong đó có 91 trang trại quy mô lớn, 1.387 trang trại quy mô vừa, 5.037 trang trại quy mô nhỏ và 173.608 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.
Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc gia cầm, bên cạnh việc tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và thú y, thành phố sẽ tổ chức 2 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm (đợt 1 vào tháng 3, 4; đợt 2 vào tháng 9, 10). Hàng tháng, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, chưa được tiêm phòng hoặc đã hết miễn dịch; tiến hành giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; giám sát sau tiêm phòng; công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh ở cấp xã, cấp huyện…
Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, thời gian tới, chi cục thực hiện tốt đợt tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn thành phố, tập trung cao ở các khu chăn nuôi tập trung, nơi có ổ dịch cũ, các khu kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, nhất là các cơ sở giết mổ, chợ có bán gia súc, gia cầm sống, nơi có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cao.
Đồng thời, tuyên truyền để người dân, chủ hộ, chủ cơ sở giết mổ chủ động phun vệ sinh tiêu độc định kỳ tại chuồng nuôi, các khu giết mổ để ngăn chặn mầm bệnh tồn tại phát tán. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt về phòng, chống dịch, nhất là giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh và tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc; tăng cường kiểm soát vận chuyển, mua bán động vật và sản phẩm động vật, giết mổ động vật dịp cuối năm; quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở.
Ngoài ra, chi cục cũng quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, từ đó từng bước đưa các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung trong mạng lưới cơ sở giết mổ đã được UBND thành phố phê duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; quản lý trong kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y…
Để làm tốt việc này, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản. Đẩy mạnh việc triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, nuôi trồng, phát hiện sớm các ổ dịch; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn...