Giảm diện tích lúa để trồng màu

Không ảnh hưởng tới an ninh lương thực

Trao đổi với Tin Tức, ông Phạm Đồng Quảng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, thị trường xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn và việc giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn là một nhu cầu bắt nguồn từ thực tế.

 

Xin ông cho biết, quan điểm thế nào về việc giảm diện tích trồng lúa?


Chủ trương giảm diện tích trồng lúa chuyển sang trồng các loại cây hàng năm ngắn ngày, hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản là chủ trương của Chính phủ bắt nguồn từ nhu cầu thực tế. Những năm qua, chúng ta tăng diện tích trồng lúa lên 7,7 triệu ha, trong đó, tăng nhiều nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn.


Để đảm bảo hiệu quả của việc trồng lúa, Bộ đang có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa, trước hết ưu tiên những diện tích trồng lúa hiệu quả thấp. Trong vài năm tới, sẽ chuyển đổi 200.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây trồng khác. Riêng năm 2014, sẽ chuyển đổi 140.000 ha.


Nông dân có thể lựa chọn các cây trồng chuyển đổi. Bộ không áp đặt nông dân phải trồng những loại cây gì. Miễn sao cây trồng đó đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, Bộ khuyến cáo nông dân trồng những cây đang có đầu ra thuận lợi, ưu tiên trồng ngô và đậu tương - hai loại hạt có nhu cầu tiêu thụ lớn ở trong nước. Năm 2012, nước ta nhập 1,6 triệu tấn ngô và 2,4 triệu tấn khô dầu đậu tương.


Cục Trồng trọt đang triển khai xây dựng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; xây dựng thông tư hướng dẫn chuyển từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

 

Liệu việc chuyển đổi này có đe dọa tới an ninh lương thực không, thưa ông?


Việc chuyển đổi này không ảnh hưởng tới an ninh lương thực bởi ta chỉ giảm một phần diện tích gieo trồng. Cây lúa vẫn là cây lương thực chủ lực và là thế mạnh của Việt Nam. Sản xuất lúa vẫn là ngành sản xuất quan trọng nhất trong lĩnh vực trồng trọt. Lộ trình của nước ta là đến năm 2015, duy trì khoảng 7,5 triệu ha gieo cấy lúa. Năm 2020 vẫn giữ 7 triệu ha.


Việc chuyển đổi chỉ diễn ra với những diện tích đang trồng lúa không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Các tỉnh miền Bắc, mấy năm qua, đã chuyển đổi theo hướng tăng vụ đông trên đất lúa và chuyển đổi những diện tích trồng lúa bấp bênh, kém hiệu quả.


Sắp tới, việc chuyển đổi sẽ ưu tiên tập trung ở ĐBSCL và duyên hải Nam Trung Bộ - hai vùng những năm qua chuyển đổi chưa mạnh mẽ. Vùng ĐBSCL có những thuận lợi cho chuyển đổi. Ví dụ, cây mè, ngô, đậu tương nếu trồng ở vùng này có khả năng đạt năng suất cao, hoàn toàn có thể cạnh tranh với ngô và đậu tương nhập khẩu.

 

Khi giảm diện tích trồng lúa, việc nâng cao giá trị hạt gạo được quan tâm thế nào, thưa ông?


Để nâng cao chất lượng hạt gạo, có nhiều việc phải làm. Trước hết, công tác tạo giống lúa phải tạo ra những giống lúa mới có năng suất, chất lượng phù hợp với thị hiếu của thị trường trong nước và xuất khẩu.


Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh ngành hàng lúa gạo theo hướng gắn chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu; giữa nông dân với doanh nghiệp; liên kết nông dân với nhau thông qua các tổ chức đại diện như hợp tác xã, tổ hợp tác để thực hiện các dịch vụ như: dịch vụ bảo vệ thực vật, cung cấp nước... góp phần giảm chi phí sản xuất. Việc liên kết đó sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân và doanh nghiệp, nâng cao giá trị hạt cho gạo xuất khẩu.

 

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN