Đây là năm thứ hai Hà Nội chung tay giúp tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều bởi quả vải nơi này có độ ngọt thanh, vỏ đỏ khi chín tới, cùi dày và hạt nhỏ. Hơn nữa, quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP nên những quả vải thiều đầu vụ dù giá cao vẫn được người dân thủ đô tin tưởng lựa chọn.
Giá vải tăng caoGạt được nỗi lo được mùa mất giá, người dân trồng vải Bắc Giang đang khấp khởi với vụ vải mới được mùa được giá. Có được niềm vui này nhờ sự hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Bắc Giang đã liên kết chặt chẽ giải cứu nông sản trong đó có quả vải thiều.
Đến nay, các vùng trọng điểm như Tân Yên, Lạng Giang, Phục Hòa, Lục Ngạn (Bắc Giang)… vải thiều sớm đã cho thu hoạch. Người dân nơi đây phấn khởi vì giá vải tăng cao nhất từ trước đến nay, tiêu thụ thuận lợi.
Người dân Lục Ngạn hối hả thu hoạch vải. Ảnh: Việt Hưng/TTXVN phát |
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng thôn Đồng Còng, xã Tân Mộc (huyện Lục Ngạn) cho biết, sản lượng vải năm nay tuy có giảm so với niên vụ 2016 nhưng giá bán bình quân hiện nay tại các vườn trong thôn đều đạt từ 30.000 - 45.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với năm 2016. Cùng với việc giá vải cao ngay từ đầu vụ, dự kiến doanh thu khoảng 250 - 300 triệu đồng.
Những ngày này, trên đường phố Thủ đô ngập tràn sắc vàng chen lẫn đỏ của quả vải vừa độ chín. Từ những chợ cóc chợ tạm đến những siêu thị sang trọng đâu đâu cũng thấy vải.
Giá cả cũng dao động khá nhiều bởi có nhiều giống vải khác nhau và cũng đến từ nhiều địa phương. Tuy nhiên, riêng vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang thì đang ở mức 54.000 đồng/kg loại nguyên cành lá và 68.000 đồng/kg loại túi lưới cắt cành.
Chị Hà, chủ cửa hàng hoa quả tại phố Kim Ngưu- Hai Bà Trưng cho biết, do mới vào mùa nên giá biến động từng ngày và giá cao hơn năm ngoái. Thời điểm đầu vụ, do quả mới chín bói, nhiều người muốn mua quả đầu mùa về thắp hương dâng quả mới nên giá lên tới 80.000 đồng/kg.
Có những cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch còn dao động ở mức 108.000-120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giờ đã vào chính vụ nên giá vải thiều đang ở mức xấp xỉ 60.000 đồng/kg.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên siêu thị hệ thống Fivimart, sở dĩ giá vải chênh lệch nhau bởi tùy thuộc vào giống vải. Nhiều loại vải giá rẻ chỉ tầm 15.000-25.000 đồng/kg thường được các cô hàng rong bày bán là vải chua.
Riêng với vải u trứng và u hồng hệ thống siêu thị mua tại vườn đã 35.000 đồng - 40.000 đồng/kg, khi đến tay người tiêu dùng thì giá bán 55.000- 60.000 đồng/kg là hoàn toàn điều bình thường. Bởi các loại vải này được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao so với vải đang bán trên thị trường.
Thống kê từ Bộ Công Thương, sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang so với năm trước giảm khoảng 40.000 tấn, nhưng tổng sản lượng vụ vải năm nay vẫn đạt 100.000 tấn. Để chuẩn bị cho tiêu thụ vải thiều, Bộ Công Thương đang có những động thái hỗ trợ cụ thể.
Theo đó, ngoài một số chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm vải thiều tới người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu vải sang Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc..., qua đó hạn chế đến mức tối đa việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ, năm nay, sản lượng vải thiều toàn huyện ước đạt 60.000 tấn, giảm 25.000 - 30.000 tấn so với năm 2016.
Sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 40.000 tấn. Mặc dù sản lượng có giảm so với năm trước nhưng do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng quả vải cao hơn. Vì vậy, giá bán ra cũng tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, khiến người trồng vải rất phấn khởi.
Khơi thông thị trườngNằm trong chuỗi xúc tiến thương mại của tỉnh Bắc Giang, ngày 16/6 vừa qua tại Hà Nội đã khai mạc Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang. Đây là hoạt động thiết thực để vải thiều Lục Ngạn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP với chất lượng cao được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và khẳng định thương hiệu đến đông đảo người tiêu dùng thành phố Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng đã lựa chọn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa. Cùng với đó, mở rộng phát triển thị trường mới ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang nhấn mạnh, đã có một thời gian điêu đứng vì “được mùa mất giá” nhưng những năm gần đây, lượng tiêu thụ vải thiều Bắc Giang rất khả quan.
Một trong những lý do có được thành công này là tỉnh quy hoạch được vùng trồng ổn định với diện tích trên 30.000 ha, đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không trồng tự phát.
Chính vì vậy, việc xúc tiến thương mại cho quả vải thiều được tỉnh Bắc Giang coi là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều đoàn xúc tiến thương mại của tỉnh đã tiến hành các cuộc gặp song phương, đa phương với chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng và đối tác nhằm mở rộng đầu ra cho vải thiều.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành bộ phận quan hệ công chúng và trách nhiệm xã hội hệ thống siêu thị Big C khẳng định, đây là lần thứ hai tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn phối hợp cùng Hệ thống siêu thị Big C. Dự kiến ít nhất sẽ có 70 tấn vải thiều tươi Lục Ngạn (Bắc Giang) được tiêu thụ tại hệ thống Big C trong dịp này.
Trong tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội năm nay, lần đầu tiên hệ thống siêu thị Big C giới thiệu những trái vải thiều có thương hiệu riêng, đóng hộp với đủ thông tin chứng nhận VietGap, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, in logo nhãn mác bắt mắt.
Bên cạnh đó, các sản phẩm này sẽ được hệ thống siêu thị Big C bán trên toàn quốc kèm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn giúp người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức vải thiều Lục Ngạn chính hiệu.
Ngoài ra, từ ngày 20/6 lô hàng vải thiều Lục Ngạn đầu tiên sẽ được Big C xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, mở ra cơ hội lớn cho trái vải thiều Việt Nam tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ do Cộng đồng ASEAN đã có hiệu lực.
Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang dự kiến, sẽ có khoảng 40.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tương đương với khoảng 80% sản lượng vải thiều xuất khẩu năm nay.
Bên cạnh đó, Bắc Giang tiếp tục mở rộng sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua để đưa vào các thị trường này.
Đối với thị trường nội địa, theo ông Dương Văn Thái, vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ.
Ngoài các siêu thị lớn như: Metro, Co.opmart, Hapro, Big C, các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.