Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, để việc tổ chức lập và triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành công, đồng bộ và hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và cộng đồng trong quá trình lập và tổ chức thực hiện quy hoạch.
“Việc lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo cách tiếp cận mới, phương pháp mới được kỳ vọng sẽ mang đến tầm nhìn mới, cơ hội mới, đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Từ đó, đón đầu các xu thế phát triển toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững trên cả 3 phương diện kinh tế - xã hội - môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho hay.
Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, với các thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, các loại trái cây. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Bên cạnh đó, vùng này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ...
Để giải quyết các vấn đề, thách thức của vùng, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ (Nghị quyết số 120) đã đề ra 5 nhóm giải pháp tổng thể; trong đó, có nhóm giải pháp về xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Đinh Thanh Tâm, Vụ phó Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong khuôn khổ của tiểu dự án 6, thuộc hợp phần 1, dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Trên cơ sở Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành năm 2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch vừa được Chính phủ ban hành ngày 07/5/2019, dự án lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dự án đầu tiên thí điểm việc tổ chức lập quy hoạch vùng theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.
Theo quy hoạch, mối quan hệ giữa quy hoạch vùng với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Theo đó, quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch vùng. Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia va quy hoạch tổng thể quốc gia…
Đối với việc xử lý các vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong quá trình lập quy hoạch thì cần xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; xác định các khu vực ưu tiên; khuyến khích và hạn chế phát triển về kinh tế, xã hội, hạ tầng, đô thị hóa; xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư, luận chứng xây dựng danh mục các dự án quan trọng và thứ tư ưu tiên được thực hiện…
Để đảm bảo tiến độ được giao theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, việc tổ chức lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian khoảng 20 tháng và hoàn thành vào tháng 12/2020.
Đây sẽ quy hoạch vùng đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có phạm vi ảnh hưởng không chỉ đối với các tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn có ý nghĩa lan tỏa đối với việc lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 trên phạm vi cả nước.