Sản xuất lúa gạo là ngành hàng chính, chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết: Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1490/QĐ-TTg về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Trên cơ sở Quyết định số 1490/QĐ-TTg và qua rà soát hiện trạng canh tác lúa của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án này tại Đồng Tháp.
Ông Lê Quốc Điền cho biết thêm, mục tiêu của Đề án nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dinh dưỡng cho người dân, thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, đảm bảo xuất khẩu. Đồng Tháp phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tham gia Đề án của toàn tỉnh trong năm 2024 đạt khoảng 20.000 ha, đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50.000 ha và đến năm 2030 là 161.000 ha.
Đồng Tháp bắt đầu thực hiện Đề án ngay từ vụ lúa Hè Thu năm 2024. Những diện tích lúa thuộc hợp tác xã, tổ hợp tác tại các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Lấp Vò, Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự đã canh tác hiệu quả Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (WB9) được chọn tham gia Đề án.
Vụ lúa này, tập trung giảm lượng lúa gieo sạ xuống còn 80 - 100kg/ha; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học… nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Đến năm 2030, Đề án hướng tới mục tiêu: đối với diện tích lúa tham gia Đề án, lượng lúa giống gieo sạ giảm còn dưới 70 kg/ha; lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng hoặc cày vùi và sử dụng vi sinh phân hủy rơm rạ để bổ sung dinh dưỡng trả lại cho đất; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%; trong đó, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%…
Tỉnh Đồng Tháp còn đặt ra mục tiêu diện tích lúa tham gia Đề án sẽ giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống, hướng tới bán tín chỉ carbon. Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục có phối hợp với một công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn mua bán tín chỉ năng lượng tái tạo để thực hiện mô hình thí điểm chi trả tín chỉ carbon tại cánh đồng sản xuất lúa khoảng 4 ha ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, sau đó sẽ nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch triển khai Đề án nhằm định hướng hoạt động và các quyết định cần thiết để triển khai kế hoạch đúng mục tiêu và tiến độ, đảm bảo tính thông suốt, nhất quán từ cấp tỉnh đến cơ sở; rà soát diện tích lúa thực hiện Dự án VnSAT, WB9 và diện tích lúa mở rộng đáp ứng tiêu chí tham gia Đề án ở vụ Hè Thu, Thu Đông năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng; trang bằng đồng ruộng theo từng tiểu vùng để góp phần tiết kiệm nước, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất. Ngành nông nghiệp phối hợp thực hiện tuyên truyền, tập huấn, xây dựng những mô hình liên kết tiêu thụ điển hình nhằm nâng cao năng lực hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải vào sản xuất; chú trọng việc xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu…
Ngoài ra, tỉnh cố gắng tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản carbon của Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho những diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp; hướng tới bán tín chỉ carbon ở thị trường trong và ngoài nước nhằm tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.