Khó tiêu thụ thực phẩm an toàn vì kém liên kết

Làm thế nào để mua và sử dụng thực phẩm an toàn trong bữa cơm gia đình đang là mối quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ. Tuy nhiên, do liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ nên thực phẩm an toàn vẫn khó tiêu thụ.

 

Liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ

Hiểu được tâm lý của người tiêu dùng, mong muốn sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn gốc, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã nỗ lực triển khai các mô hình sản xuất nông sản an toàn.


Trồng rau sạch tại xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội.

 

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Hà Nội, năm 2010 hợp tác xã (HTX) Yên Mỹ, huyện Thanh Trì đã được chọn thí điểm sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Do tuân thủ đúng theo quy trình sản xuất của VietGAP, nên Yên Mỹ không phải bỏ vốn đầu tư nhiều như sản xuất thông thường mà lại có lợi nhuận lại cao hơn.


“Lợi nhuận từ trồng rau VietGAP đạt 180 - 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn khoảng 50 triệu đồng/ha so với cách làm truyền thống”, ông Trần Đức Vinh, Chủ nhiệm HTX Yên Mỹ cho biết. Tuy nhiên, rau an toàn của HTX Yên Mỹ vẫn bí đầu ra do yếu kém trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các dự án đầu tư phát triển rau, thịt an toàn chỉ tập trung cho khâu sản xuất mà chưa quan tâm đến thị trường tiêu thụ.


Theo một cán bộ của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, sản phẩm rau an toàn của Yên Mỹ được đưa vào tiêu thụ thông qua hệ thống Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội (sanbanbuon.vn).


Nhưng một nhân viên của sanbanbuon.vn cho biết, công ty này chưa có điểm bán lẻ. Vì vậy, ngoài tiêu thụ qua sanbanbuon.vn, người trồng rau ở HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì vẫn phải đưa sản phẩm của mình ra các chợ đầu mối tiêu thụ và phải cạnh tranh với rau thông thường.


Theo ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, trong thời gian qua, thành phố đã nỗ lực thực hiện được nhiều giải pháp về tổ chức sản xuất rau, thực phẩm an toàn. Nhưng, việc kết nối giữa sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm theo chuỗi vẫn gặp nhiều khó khăn.


“Hiện toàn thành phố có 58 cửa hàng và 35 siêu thị bán rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận. Nhưng việc phát triển thực phẩm an toàn rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, phân phối vì lợi nhuận thấp, rủi ro lại cao”, ông Nguyễn Hồng Anh cho biết.


Bên cạnh đó, đa số người dân vẫn giữ thói quen mua rau, thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các chợ cóc nên việc kinh doanh, tiêu thụ rau, thực phẩm an toàn vẫn gặp nhiều khó khăn.


Mở rộng mạng lưới phân phối

Để kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng cho thực phẩm an toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Hồng Anh cho biết: “Chi cục đã phối hợp với các cơ sở, doanh nghiệp để dán tem cho rau an toàn cho các của hàng bán lẻ, siêu thị, chợ... tại Hà Nội để người dân dễ nhận biết”.


Bên cạnh đó, Chi cục đã phối hợp xây dựng “Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội. Thí điểm mở 72 cửa hàng phân phối rau an toàn tại nhiều khu vực trong thành phố. Tuy nhiên, số lượng rau tiêu thụ qua những kênh này mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với nhu cầu rau xanh của thành phố, khoảng 2.600 tấn/ngày.


Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, để mô hình các chuỗi thực phẩm an toàn hoạt động bền vững, điều cần thiết là các bên phải thực hiện đúng cam kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ.


Đặc biệt là “nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, để họ có ý thức sử dụng sản phẩm sạch, các sản phẩm có chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Tiệp nói.


Ngoài ra, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Hồng Anh cho rằng: “Giá thành sản xuất rau an toàn thấp nhưng đến người tiêu dùng lại cao do phải qua nhiều khâu trung gian, chi phí thuê cửa hàng cao. Vì vậy, mạng lưới tiêu thụ rau an toàn phát triển chậm. Do đó, cần phối hợp để hạ giá thành thực phẩm an toàn mới cạnh tranh được trên thị trường”.

 

Từ năm 2008 đến nay, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất chuỗi rau quả, thịt an toàn tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện đã hình thành 13 mô hình điểm rau, quả tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tiền Giang, Bắc Giang, Lâm Đồng được chứng nhận VietGAP; 11 trại chăn nuôi lợn và 9 trại gà đã được chứng nhận VietGAP. Tổng sản lượng các loại sản phẩm an toàn đạt khoảng 28.000 tấn mỗi năm.


Bài và ảnh: Phi Sơn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN