Khó tiêu thụ lúa thu đông

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa thu đông. Giá lúa thu mua đang liên tục sụt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con. Do đó việc tìm đầu ra bền vững để giúp nhà nông yên tâm sản xuất đang là vấn đề nóng.


Giá giảm vẫn tồn đọng


Những ngày đầu tháng 10, những cánh đồng lúa ở ĐBSCL đã bắt đầu chín vàng, trong khi bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch chạy lũ. Khảo sát của phóng viên, hiện giá lúa tươi thu mua tại ruộng khá thấp nhưng vẫn rất khó bán do thương lái hạn chế thu mua. Cụ thể, lúa IR 50404 đang được thương lái thu mua từ 3.800 - 4.000 đồng/kg; những giống chất lượng cao như OM 2514, OM 1490... cũng chỉ dao động ở mức từ 4.600 - 4.700 đồng/kg. Với giá trên, nông dân sẽ khó có lãi nhiều vì giá thành sản xuất lúa vụ thu đông có chiều hướng tăng so với vụ hè thu.

Thu hoạch lúa thu đông tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Tại các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp như Hồng Ngự, Tân Hồng... hiện nay bà con cũng đang tất bật “chạy đua” với nước lũ, khẩn trương thu hoạch lúa. Hầu hết diện tích thu hoạch sớm đều trúng mùa, năng suất đạt từ 5 - 5,6 tấn/ha. Tính đến ngày 8/10, nhà nông tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch xong khoảng 40% diện tích gieo sạ. Tuy nhiên, vẫn như vụ hè thu vừa qua, khó khăn lớn nhất của bà con hiện nay là giá bán thấp, tiêu thụ khó khăn. “Tiền đầu tư vào vụ lúa này khá cao, từ 3.600 - 3.800 đồng/kg. Nhiều hộ quyết định trữ lúa lại tại nhà chờ giá lên mới bán. Tuy nhiên do không muốn tốn thêm khoản chi phí vận chuyển, phơi sấy nên hầu hết bà con vẫn chọn giải pháp bán lúa tại ruộng dù biết bị ép giá. Giá đã giảm nhưng vẫn rất khó tiêu thụ”, chị Nguyễn Thị Bé Năm ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng than thở.


Theo số liệu của Cục Trồng trọt, vụ thu đông này, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống được 800.000 ha lúa, vượt 100.000 ha so với kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch được gần 20%, năng suất trung bình đạt khoảng 4,6 - 4,8 tấn/ha. Hiện nay tại nhiều tỉnh của ĐBSCL, do doanh nghiệp tham gia thu mua xuất khẩu lúa gạo vẫn còn lượng lớn lúa tồn kho chưa tiêu thụ được, nên việc thu mua lúa của nông dân cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do phải thu hoạch trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, chất lượng lúa không đạt yêu cầu nên giá lúa trong những ngày qua vẫn giảm.


Giảm diện tích lúa không chính vụ


Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thu mua từ các thị trường Phillippines và Indonesia sụt giảm. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu 9 tháng sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ 2012, nhưng vẫn không bù đắp được lượng xuất khẩu giảm từ hai bạn hàng truyền thống vốn có mức nhập khẩu lớn là Phillippines và Indonesia. “Trong quí 4, dự kiến thị trường chính của gạo Việt Nam vẫn là Trung Quốc nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Pakistan và Myanmar. Thị trường châu Phi vẫn đang lấy hàng nhưng cũng phải cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ. Nếu Indonesia và Phillippines không nhập khẩu trong tháng 10, xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng cuối năm 2013 sẽ gặp nhiều khó khăn và khó hoàn thành kế hoạch đề ra”, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định.


Trong điều kiện xuất khẩu gạo trên thế giới đang có sự cạnh tranh quyết liệt, theo ý kiến những người trong cuộc, ngành chức năng cần học tập kinh nghiệm của Thái Lan trong việc duy trì và nâng hạn mức tạm trữ lúa gạo. Hiệp Hội Lương Việt Nam cũng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình sản xuất, cân đối cung cầu lúa gạo đến cuối năm và đề nghị được hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo nhằm hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, nhìn về xa hơn, cần xem xét về việc giảm diện tích sản xuất lúa không chính vụ như vụ hè thu và thu đông để tránh lượng lúa dư thừa so với nhu cầu thị trường. Thực tế, chất lượng lúa ở hai vụ này rất khó đáp ứng những yêu cầu về xuất khẩu do điều kiện sản xuất không thuận lợi.


“Đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng, quyết liệt hoàn thiện chiến lược xuất khẩu gạo một cách căn cơ, hợp lý và hiệu quả hơn. Việc sản xuất phải gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Mới đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng lúa nguyên liệu, cũng như chủ động đặt hàng nông dân trồng giống lúa gì, chất lượng ra sao, sản lượng bao nhiêu. Chủ trương này sẽ góp phần gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu thụ lúa hiệu quả hơn, ông Bảy cho biết.


Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN