Dự kiến 4 tháng cuối năm, Chính phủ vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát nên sẽ khó có đợt cung tiền mạnh như cuối năm 2009, 2010. Lãi suất cho vay cũng sẽ giảm chậm đến cuối năm do nguồn vốn chưa dồi dào. Do vậy, doanh nghiệp (DN) cần cương quyết xử lý các khó khăn tài chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh trước khi tìm cách huy động vốn. TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng đã nhận định như thế tại hội thảo “Ngân hàng và Doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ”, diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Áp lực vay vốn ngân hàng
Theo TS. Đinh Thế Hiển, năm 2011, do áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Nghị quyết 11 của Chính phủ ra đời đã siết chặt được chính sách tiền tệ để hạ nhiệt CPI. Tuy nhiên, điều này đã tác động đến sản xuất kinh doanh của DN do lãi suất huy động và cho vay quá cao. Cụ thể, cung tiền và tín dụng đều giảm so với năm 2010, thậm chí giá trị huy động 7 tháng đầu năm 2011 thấp hơn dư nợ. Điều này cho thấy, ngân hàng nhà nước (NHNN) chưa thực sự dồi dào về nguồn vốn cho vay. Đặc biệt là các NH quy mô vốn nhỏ, hiện nay đang tăng trưởng quá mạnh về tín dụng, lại tập trung vào các dự án bất động sản (BĐS) với vòng quay vốn chậm... nên càng khó khăn về thanh khoản. Thống kê 6 tháng đầu năm, cho thấy NH nhỏ tăng huy động bình quân 7%, còn NH lớn tăng bình quân huy động 2%. Điều này đã khiến các NH bước vào cuộc đua lãi suất, kéo lãi suất huy động và cho vay đều tăng.
Kiểm đếm USD giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đang bị chậm lại do các DN đang gặp rất nhiều khó khăn về lãi suất. Hiện các DN đang gánh chịu chi phí lãi vay quá cao. Trước tình hình trên, các doanh nghiệp đã xoay qua vay ngoại tệ để hưởng chênh lệch lãi suất. TS. Đinh Thế Hiển cảnh báo: Việc đẩy mạnh vay và cho vay ngoại tệ sẽ khiến các DN và NH có nguy cơ rủi ro vào cuối năm.
Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, nhập siêu hiện vẫn cao, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa cải thiện, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang dừng ở mức thấp và sẽ tạo áp lực tỷ giá vào cuối năm 2011. Theo đó, USD có thể tiến tới 22.000 đồng/USD đến cuối năm, chứ không chỉ tăng 1% như theo chỉ đạo của NHNN. Nếu USD giữ mức 21.500 đồng/USD thì lãi suất giữa VNĐ và USD ngang nhau, nhưng nếu USD tiến tới 22.000 đồng thì DN vay USD sẽ lỗ. Mặt khác, nếu giá vàng vẫn tiếp tục tăng và NHNN cho nhập vàng về không giới hạn như báo chí đăng, thì khả năng NH sẽ tăng lãi suất cho vay USD. Như vậy, khi người dân thấy lãi suất tiền gửi VNĐ giảm, sẽ có bộ phận chuyển VNĐ sang USD, làm tăng cầu USD.
Thực hiện nhiều giải pháp
Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc chia sẻ thông tin của NH với DN sẽ có tính quyết định giúp DN hoạt động tốt hơn. Chính vì vậy, tháng 7 vừa qua, VCCI liên tục nhận được thông điệp của các cơ quan nhà nước làm thế nào để có giải pháp về vốn và lãi suất để có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Theo khảo sát của VCCI, rất nhiều DN không chịu nổi mức lãi suất, phải “buông tay”, tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi phương hướng sản xuất kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết: Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ vẫn bám sát Nghị quyết 11 của Chính phủ, tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm lạm phát. Theo đó, NHNN sử dụng 8 nhóm giải pháp chính, trong đó tiếp tục điều hành chặt chẽ, thận trọng, giảm lãi suất phù hợp, đảm bảo thanh khoản của hệ thống tín dụng, kiểm soát nợ xấu, ổn định giá trị đồng tiền. Chính sách tài khóa tiếp tục thực hiện thắt chặt, phấn đấu vượt 7 – 8% dự toán thu ngân sách, tiết kiệm chi, sử dụng hiệu quả ngân sách. Về chính sách thương mại, giá cả thị trường: Đảm bảo cung cầu hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường...
Ngoài ra, NHNN sẽ có biện pháp tăng chi phí vay vốn USD để giảm bớt nhu cầu vay USD của DN. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi thị trường, nâng cao khả năng dự báo cung cầu ngoại tệ, không để tỉ giá biến động mạnh. NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường để ổn định tỉ giá với liều lượng và mức độ thích hợp, giúp tỉ giá không tăng quá 1%. Ngoài công cụ chính sách, NHNN quyết liệt chỉ đạo kiểm soát đối với các hệ thống tín dụng có hệ số sử dụng vốn cao để đảm bảo an toàn hệ thống. Theo đó, trong tuần này và tuần sau, NHNN sẽ có chính sách ban hành để đảm bảo tổ chức tín dụng thực hiện theo đúng các giải pháp trên.
Cũng theo bà Hồng, trong bối cảnh lạm phát cao, bản thân DN và NH đã có những điều chỉnh kinh doanh để khắc phục. Tuy nhiên, DN nên tiết kiệm vốn để sử dụng hiệu quả hơn. Đây là biện pháp phát triển lâu dài và ổn định cho DN. TS. Đinh Thế Hiển cũng khuyến cáo: DN cần tự giảm nhu cầu vốn hợp lý để tăng khả năng huy động vốn; đồng thời mạnh dạn cắt bỏ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, liên kết và hợp tác trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ.
Bài và ảnh: Hải Yên