Ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam đã qua thời kỳ phát triển bùng nổ và đang gặp nhiều khó khăn. Với việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam chính thức được thành lập, các doanh nghiệp và người dân kỳ vọng, Hiệp hội sẽ giúp ngành sản xuất cá tra giải quyết được những vướng mắc, hướng đến phát triển ổn định.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Thắng (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam về vấn đề này.
´Ra đời trong bối cảnh ngành sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn, xin ông cho biết, mục tiêu hoạt động của Hiệp hội Cá tra Việt Nam trong thời gian tới?
Mục tiêu của Hiệp hội là phải đoàn kết được các lực lượng trong ngành sản xuất cá tra để tạo nên sức mạnh. Sức mạnh ấy sẽ bảo đảm cho sản phẩm chiến lược này phát triển bền vững, các khâu trong sản xuất cá tra như: người làm giống, người nuôi, chế biến, xuất khẩu, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học, dịch vụ... đều có lợi. Do vậy, cần thống nhất lại để các thành phần khi tham gia vào quá trình sản xuất cá tra đều có lợi.
´Những vấn đề cụ thể mà Hiệp hội cần phải làm là gì, thưa ông?
Khi thành lập Hiệp hội, tất cả các thành viên đã phải đồng thuận mục tiêu cùng nhau đưa ngành sản xuất cá tra phát triển. Do vậy, Hiệp hội cũng đề ra những quy chế, điều lệ hoạt động của Hiệp hội. Tất cả đều thống nhất rằng cần phải xác định cung - cầu như thế nào, có hệ thống thông tin liên thông để cùng gắn kết người nuôi cá và nhà chế biến xuất khẩu đảm bảo cung không vượt cầu. Mục tiêu ưu tiên là chất lượng và giá cả, đảm bảo có lợi chứ không phải là sản lượng.
Thứ hai là khả năng liên kết trong chế biến sản xuất cá tra phải mạnh hơn. Trong thời gian tới, những hộ nuôi cá thể, nhỏ lẻ sẽ phải tổ chức lại sản xuất để làm sao có được những hợp đồng cung cấp nguyên liệu chặt chẽ với các nhà chế biến xuất khẩu. Chúng ta phải đảm bảo tổ chức sản xuất xuất phát từ nhu cầu của thị trường để đảm bảo cân bằng cung - cầu, mà điều này sẽ có được khi các khâu sản xuất có được hệ thống thông tin liên thông với nhau.
´Theo ông, những hộ nuôi cá thể, nhỏ lẻ cần phải tổ chức lại sản xuất như thế nào?
Đây cũng là những đơn vị sản xuất, nhưng các hộ nuôi phải gắn kết lại với nhau. Ví dụ như tại Trà Vinh, trước đây có tới 59 hộ nuôi cá tra. Sau một thời gian vận động, các hộ nuôi đã tự liên kết với nhau thành lập thành 9 chi hội nuôi cá liên kết trong chăn nuôi với các nhà chế biến xuất khẩu. Như vậy, việc liên kết trong chăn nuôi đã có từ lâu, nay các đơn vị sản xuất cá tra đã sẵn sàng hoạt động theo mô hình này. Còn những hộ không đủ điều kiện liên kết có thể chuyển sang nuôi những loài thủy sản khác.
´Hiệp hội sẽ làm gì để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam, thưa ông?
Được coi là sản phẩm xuất khẩu chiến lược của quốc gia nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư nhiều chương trình cho ngành chăn nuôi này. Trong đó, việc nâng cao chất lượng sản xuất con giống, tạo đàn cá bố mẹ thuần chủng và chất lượng cao để sản xuất đàn giống chất lượng được quan tâm đầu tư. Các thị trường nhập khẩu trên thế giới cũng đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn chất lượng khác nhau. Chẳng hạn như tiêu chuẩn GlobalGAP tại Mỹ và châu Âu, ASC cho khu vực Bắc Âu. Việt Nam cũng đang phổ biến, nhân rộng mô hình nuôi theo VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, trong đó có cá tra.
Xin cảm ơn ông!
Bích Hồng (thực hiện)