Bộ Công Thương phản đối quyết định bất lợi đối với cá tra Việt Nam

Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố chọn Inđônêxia là nước tham chiếu để tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, ba sa của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng đã gửi thư phản đối quyết định này và yêu cầu DOC giữ nguyên kết quả sơ bộ được công bố hồi tháng 9/2012. Theo đó, DOC nên xem xét chọn Bănglađét là nước thứ ba để làm căn cứ đối chiếu tính giá và tính thuế.

 

Thu hoạch cá tra tại vùng nuôi của gia đình anh Trương Văn Lực ( huyện Thanh Bình, Đồng Tháp).

 

Hôm qua (17/3), trả lời phỏng vấn báo Tin Tức xung quanh quyết định của DOC đối với cá tra Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) Bạch Văn Mừng cũng nhấn mạnh, quyết định của DOC đối với cá tra Việt Nam là bất hợp lý. Bởi sản lượng chế biến và xuất khẩu mặt hàng cá tra ở Inđônêxia không nhiều nên chi phí giá thành sản xuất khá cao. Ngược lại, nghề nuôi cá tra ở Việt Nam phát triển mạnh trên nhiều mặt, người nuôi có tay nghề cao, nhà máy chế biến được đầu tư công nghệ hiện đại nên chi phí giá thành thấp. Điều này cho thấy nếu lấy chi phí sản xuất ở Inđônêxia áp cho cá tra Việt Nam để tính thuế là không hợp lý.


Trước đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã ra thông cáo báo chí để phản đối quyết định của DOC. Theo VASEP, Inđônêxia là nước có điều kiện kinh tế - xã hội hoàn toàn khác với Việt Nam nên việc lựa chọn của DOC là bất hợp lý.


Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra, cá basa lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt được 1,8 tỷ USD (tương đương với 2011) thì kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt hơn 358 triệu USD, chiếm khoảng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Chiến lược - Chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, quyết định của DOC là không quá bất ngờ. Bởi, những năm trước đây, các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ đã nhiều lần tìm cách ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường nước này. Trong đó có cả việc gây sức ép đối với các cơ quan chức năng của Mỹ phải tạo ra các hàng rào kỹ thuật, xếp cá tra, cá ba sa của Việt Nam không phải là cá da trơn.


Theo các chuyên gia thương mại, việc phải đương đầu với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ khiến thuế xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ rất khó khăn và xuất khẩu cá tra nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung vào thị trường Mỹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

 

Đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường


Theo ông Trần Công Thắng, để tránh nguy cơ bị kiện bán phá giá, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cần phải thống nhất một mức giá sàn xuất khẩu cá tra. Trước đây, với sự vào cuộc tích cực của VASEP, việc các doanh nghiệp đã phá rào, cạnh tranh nhau, kéo giá xuống quá thấp đã được ngăn chặn nhưng sau đó tình trạng này lại tái diễn. “Cách làm như vậy chỉ giải quyết được cái lợi trước mắt nhưng lại gây hại trong lâu dài. Việc Bộ Thương mại Mỹ tăng thuế lần này đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa của Việt Nam khi vào thị trường Mỹ là cảnh báo không chỉ đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa mà còn với những mặt hàng thủy sản khác”, ông Thắng lưu ý.


Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thường phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường chủ lực. Do đó, để hạn chế thiệt hại trong bối cảnh các nước có xu hướng gia tăng sử dụng rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, các chuyên gia thương mại của Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần có chiến lược mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu cá tra chủ yếu theo phương thức cá tra filê đông lạnh, chứ chưa xuất khẩu được dưới dạng chế biến sâu, sản phẩm đa dạng để gia tăng giá trị và giảm nguy cơ bị các nước kiện bán phá giá.


Hường - Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN