Lợi cả đôi bên
Hàng tạ nhãn của Hợp tác xã Anh Trang (huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La) đã bán “hết bay” ngay tại sân siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) trong vài ngày tháng 7 diễn ra “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019”. Chưa kể, những mối hàng lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc khác mà hợp tác xã kết nối được thông qua sự kiện này.
Chị Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: "Đây là lần thứ hai hợp tác xã mang sản phẩm xuống Thủ đô, quảng bá giới thiệu tại hệ thống siêu thị Big C và đã được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận tích cực".
Đây chỉ là 1 trong nhiều Tuần lễ nông sản an toàn được tỉnh Sơn La phối hợp với các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội tổ chức. Từ đầu năm đến nay, Sơn La đã tổ chức các tuần lễ mận, xoài và các loại nông sản an toàn tại siêu thị Lotte Mart, siêu thị HaproMart… Trước đó, trong khuôn khổ “Tuần lễ xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019” hồi tháng tháng 5/2019, siêu thị Big C đã tiêu thụ được gần 1.000 tấn xoài của Sơn La.
Ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La cho biết: “Thông qua các hệ thống siêu thị hiện đại, nông sản an toàn tỉnh Sơn La được người dùng trong nước biết đến. Qua đó, kích cầu tiêu dùng, góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản an toàn của tỉnh”.
Các tuần lễ trái cây Nam Bộ tại siêu thị Vinmart Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Các loại trái cây vốn là đặc trưng của vùng sông nước miền Nam như sầu riêng, vú sữa, dừa sáp, bơ, măng cụt... với giá thành hợp lý, an toàn chất lượng, được trưng bày tại khu vực bắt mắt dễ dàng được người tiêu dùng chọn lựa.
Bà Nguyễn Thị Thủy (người tiêu dùng ở phố Hàng Bông, Hà Nội) chia sẻ: "Người dân muốn mua nông sản sạch ở siêu thị để yên tâm sử dụng, nếu mua ở chợ thì xuất xứ không rõ ràng. Nếu nhà sản xuất và các siêu thị thường xuyên liên kết với nhau, thì người tiêu dùng được hưởng lợi"...
Hướng đến hiệu quả thực chất
Đưa được hàng hóa vào các kênh phân phối với số lượng lớn và ổn định là mục tiêu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân. Tại Việt Nam, hàng hóa nông sản rất phong phú, nhưng nhiều mặt hàng nông sản đang "bí" đầu ra, khó tiếp cận người tiêu dùng.
Đơn cử như Công ty Thanh Cao Kinoko, chuyên sản xuất nấm kim châm sạch ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản. Trước đây, tuy chất lượng và quy trình sản xuất nấm của Kinoko đảm bảo, nhưng doanh thu vẫn thấp, do chưa giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm. Tháng 4/2018, công ty bắt đầu hợp tác với VinEco, chỉ sau 8 tháng liên kết, được VinEco hỗ trợ đầu ra qua hệ thống bán lẻ, với hơn 1.800 điểm bán của siêu thị VinMart và VinMart+, sản lượng tiêu thụ của công ty đã lên tới con số 30 tấn, doanh thu đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/tháng.
Hay các mặt hàng nông sản đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP của tỉnh Sơn La như nhãn, xoài, bơ sáp, chuối tây Mộc Châu, bí xanh, mướp hương Mộc Châu… khi đưa vào bày bán thường xuyên trong hệ thống siêu thị Big C đã đạt mức tăng trưởng gấp 20 lần, thậm chí có mặt hàng như bắp cải tăng trưởng 80 lần. Qua đó cho thấy, khi có chỗ đứng ổn định trong kênh phân phối hiện đại, các nhà sản xuất có thể yên tâm về đầu ra.
Đặc thù của hàng nông sản, nhất là trái cây thường theo mùa vụ, từ vài tuần đến 1 tháng. Do vậy, việc tổ chức các tuần lễ nông sản an toàn là giải pháp kịp thời để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong lúc cao điểm, tránh tình trạng nguồn cung tăng mạnh và không tiêu thụ kịp dẫn tới dư thừa. Song, về lâu dài, các loại nông sản nói chung phải nâng cao chất lượng thông qua những chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng, có như vậy các siêu thị mới có cơ sở để nhận mua hàng.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, yếu tố quan trọng khiến nông sản Việt khó vào siêu thị là do nhiều nhà sản xuất chưa bảo đảm được chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, nhiều sản phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí chưa có mã số, mã vạch, mẫu mã, bao bì còn đơn điệu, không bắt mắt...
Để có thể đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại, các đơn vị sản xuất nông sản cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ (đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, báo giá, hàng mẫu...). Căn cứ các thông tin này, phía hệ thống bán lẻ sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm định sản phẩm và đánh giá đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cung ứng hàng hóa vào siêu thị hay không.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Từ thành công của các Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên, Tuần lễ cam Cao Phong - Hoà Bình… hiện nay, các tỉnh thành khác đang “sốt sắng” mong được tham gia các chương trình kết nối để đưa nông sản địa phương vào siêu thị.
“Mấu chốt quan trọng nhất vẫn phải là chất lượng sản phẩm. Việc sản xuất manh mún hoặc sản xuất theo phong trào khiến nhiều loại nông sản dù chất lượng tốt, nhưng phải trông chờ vào tinh thần "giải cứu" của người dân. Đó là sự sản xuất thiếu bền vững. Các siêu thị sẽ hỗ trợ dựa trên cơ sở chất lượng sản phẩm”, bà Nga nhận định.