Đứng thứ tư trên thế giới về xuất khẩu (XK), thủy sản Việt Nam luôn giữ mức tăng trưởng cao trong các sản phẩm nông nghiệp. Ngay từ những ngày đầu năm, các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam đã tất bật với những kế hoạch sản xuất, bởi theo dự báo, năm nay cũng là năm có nhiều khó khăn, thử thách.
Khó khăn chất chồng
Kết thúc năm 2012, XK thủy sản Việt Nam đạt hơn 6,1 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ so với năm 2011 và không đạt mục tiêu XK 6,5 tỷ USD như kế hoạch. Ngoài cá tra và tôm tiếp tục giữ ổn định, mặt hàng thủy sản XK chủ lực vẫn là cá ngừ và tuy trị giá XK chỉ chiếm hơn 9% nhưng đây là sản phẩm duy nhất có mức tăng trưởng cao.
“Theo dự báo của chúng tôi, năm nay, kim ngạch XK thủy sản nói chung sẽ giảm nhẹ so với năm 2012. Do thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu phục vụ chế biến, năm nay ngành sẽ nhập khẩu nguyên liệu thủy sản nhiều hơn để phục vụ cho sản xuất, dự kiến tăng 30% so với năm 2012, tương đương 65 - 70 triệu USD/tháng”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.
Ngoài thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp XK thủy sản Việt Nam còn gặp phải khó khăn trong việc duy trì và mở rộng thị trường. Chẳng hạn như EU, một trong những thị trường nhập khẩu hàng đầu, sẽ tiếp tục giảm khoảng 12 - 15%. Tại thị trường Nhật Bản, vấn đề quy định về dự lượng Ethoxyquin sẽ tiếp tục chi phối việc XK tôm sang thị trường này. Bên cạnh đó, cùng với sự nổi lên của Thái Lan, Inđônêxia, Ấn Độ... , việc cạnh tranh để “giành giật” thị trường sẽ ngày càng gay gắt khi xu hướng hạ giá bán sản phẩm, gián tiếp tạo áp lực lên XK thủy sản. Riêng với cá tra, mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn là nước sản xuất và XK lớn nhất thế giới, nhưng nhiều nước khác vẫn đang “lăm le” đầu tư công nghệ, mở rộng diện tích sẵn sàng tranh giành thị phần với các doanh nghiệp của ta.
Quý I năm nay, theo VASEP, sản lượng cá tra sẽ chỉ đạt khoảng 100.000 - 150.000 tấn, giảm 30 - 50% và tôm nuôi cũng sẽ giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2012. Song song đó, hiện nhiều nước nhập khẩu đã dựng lên các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại gây khó khăn cho XK thủy sản. Có thể đơn cử tại EU vẫn còn nhiều thông tin sai lệch về cá tra, cũng như quan điểm tiêu cực đối với cá tra và mô hình nuôi cá tại Việt Nam, khiến sức tiêu thụ tại thị trường này bị giảm. Do vấp phải rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, XK tôm cũng đang bị ảnh hưởng, đặc biệt ở các thị trường chính như Nhật Bản, EU, Mỹ...
“Ngoài ra, do cạnh tranh không lành mạnh, không ít doanh nghiệp đã chào bán cá tra với nhiều giá khác nhau khiến các nhà nhập khẩu e ngại, không biết đâu là giá trị thực, trong đó không loại trừ trường hợp chào hàng giá thấp, bán hàng kém chất lượng... ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc”, ông Hòe lo lắng.
Hỗ trợ vượt khó
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ - CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường..., trong đó ngành thủy sản là một trong số ít ngành được hưởng chính sách ưu tiên. Tại Nghị quyết này, hai kiến nghị lớn nhất của ngành là không xếp túi nilon bao gói hàng nhập khẩu vào đối tượng phải chịu thuế bảo vệ môi trường, đồng thời được hoàn thuế và giãn thời hạn được vay ngoại tệ ngắn hạn đến hết năm 2013 đã được thông qua. Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất, chế biến thủy sản sử dụng nhiều lao động được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập DN.
Ở một động thái khác, Ngân hàng Phát triển Việt Nam vừa cam kết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ DN có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ XK theo cơ chế vay vốn tín dụng. Ngoài ra, sẽ xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 - 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng XK cho nhóm hàng thủy sản... “Năm nay, chúng tôi đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt giá trị XK từ 6,4 - 6,5 tỷ USD. Hiện cùng với giải pháp giúp đỡ của ngành chức năng, chúng tôi đang tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch lại diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn; đa dạng hóa đối tượng nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các dự án phát triển vùng nguyên liệu thông qua các loại hình liên kết như nuôi gia công, hợp đồng tiêu thụ cá theo hình thức ứng vốn hoặc thức ăn trước”, ông Hòe cho biết thêm.
Lê Nghĩa