Năm 2012, ngành nông nghiệp của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công lớn khi kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản đạt hơn 27 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2011. Không muốn dừng ở những con số đó, nhiều nhóm hàng nông sản trong nước đang ấp ủ giấc mơ vươn lên “thống lĩnh” thị trường XK thế giới.
Bài 1: Giữ vị trí số một xuất khẩu cà phê
Năm 2012 là năm thứ 5 liên tiếp diện tích cà phê cho thu hoạch của Việt Nam vượt mốc 500.000 ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Hiện cà phê nằm trong nhóm 12 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 2 tỷ USD trở lên và là nhóm có tốc độ tăng cao, đạt mức hơn 1,6 lần so với tốc độ tăng trung bình tổng kim ngạch XK nông sản cả nước.
Công nhân công ty Cà phê xuất khẩu Thắng Lợi (Đắk Lắk) phơi cà phê chất lượng cao theo đúng quy trình kỹ thuật. |
Theo số liệu khảo sát của ngành nông nghiệp, năm 2012, khối lượng XK cà phê của Việt Nam đã đạt khoảng 1,7 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 3,7 tỷ USD và lần đầu tiên vượt mặt “đối thủ” Braxin để trở thành nhà cung cấp cà phê số một trên thế giới. Hiện hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ và Đức, chiếm đến gần 25% thị phần, đang có sự tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đặc biệt, một số thị trường mới nổi như Inđônêxia cũng đã có mức tăng trưởng cao đột biến, gấp 5 - 6 lần so với năm 2011.
“Do có sự chênh nhau về kinh độ và vĩ độ, vụ cà phê của ta thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 10 năm sau, trong khi vụ cà phê của Braxin bắt đầu từ tháng 7, còn mùa vụ của Inđônêxia - cũng là một trong những “đối thủ” nặng ký bắt đầu từ tháng 5... Vì thế, thời điểm xuất khẩu cà phê giữa các nước khác nhau và suy ra, vị trí số một mà ta đang có là do thời điểm quyết định”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giải thích.
Ngoài thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho cây cà phê phát triển, cơ chế tạm trữ giúp doanh nghiệp giảm áp lực thu mua…, theo ông Tự, tình hình thị trường đang có nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành. Cụ thể, các doanh nghiệp trong nước đã giảm được áp lực cạnh tranh với khối doanh nghiệp nước ngoài; nhà nông không còn tình trạng bán ồ ạt cà phê sau khi thu hoạch mà tìm hiểu kỹ thông tin, chủ động dự trữ và chỉ bán ra khi có lợi nhuận cao nhất; ngành chức năng làm tốt công tác dự báo, thương mại… nên nâng được giá XK cà phê.
Với lợi thế là quốc gia XK cà phê hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp tin tưởng có thể tác động mạnh tới thị trường cà phê thế giới. Dự báo năm nay, do những biến động thất thường của thời tiết, sản lượng cà phê thế giới sẽ giảm khoảng 30%. Kết thúc tháng 1/2013, lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam đạt gần 219.000 tấn, tăng hơn 34% so với tháng trước và tăng gần 86% so với cùng kỳ năm 2012. “Con số này cao hơn dự báo của ngành và trước đó là ước tính do Tổng Cục thống kê công bố. Thực tế, do khủng hoảng kinh tế, rất nhiều nhóm ngành hàng, doanh nghiệp làm ăn khó khăn hoặc phá sản. Trong bức tranh có phần u ám đó, ngành trồng, chế biến, xuất khẩu cà phê vẫn phát triển và trở thành điểm sáng, góp phần vào sự ổn định kinh tế nước nhà”, ông Tự nói thêm.
Lạc quan là thế, nhưng nhìn trực diện vào sự phát triển của ngành, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo đó, trong thời gian dài vừa qua, chất lượng cà phê nguyên liệu chưa đồng đều do ngành chức năng vẫn duy trì song song hai bộ tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học - Công nghệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp XK vẫn chủ yếu xuất nguyên liệu cà phê thô, chứ chưa có nhiều sản phẩm chế biến. Theo dự báo, đến năm 2020, diện tích cà phê già của Việt Nam sẽ chiếm tới 50% và vì thế, điều quan tâm của ngành là phải chú trọng công tác tái canh, đảm bảo đủ sản lượng phục vụ XK. Chính vì thế, doanh nghiệp XK và người trồng cà phê cần hợp tác với nhau, cũng như nhà nước phải có những chiến lược cụ thể để cà phê Việt Nam có thể giữ vững vị thế số 1 dài lâu.
Lê Nghĩa
Bài 2: Xuất khẩu lúa gạo và bức xúc nâng cao giá trị