Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND các quận liên quan lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; thể hiện đầy đủ các chức năng sử dụng đất, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quy hoạch tổ chức giao thông đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị theo quy định.
Để đồng bộ với điều chỉnh cục bộ quy hoạch này, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố kiến nghị, việc lập 10 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh các nhà ga tuyến metro số 2 sẽ được xem xét sau khi hoàn tất điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Đối với các khu vực xung quanh các nhà ga của các tuyến metro khác và các khu vực khác, Sở Quy hoạch và Kiến trúc kiến nghị UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc thanh lý 9/34 đồ án thiết kế đô thị riêng; thống nhất không tiếp tục thực hiện các đồ án thiết kế đô thị riêng đối với 6/34 đồ án khu vực xung quanh các nhà ga thuộc tuyến metro số 3a, 3b, 5 và khu vực trung tâm thành phố, dọc sông Sài Gòn.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị UBND thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc bổ sung các nội dung liên quan đến quy mô quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan các khu vực xung quanh các nhà ga các tuyến metro, các khu vực trung tâm, dọc sông Sài Gòn quy định chung vào Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP Hồ Chí Minh để quản lý kiến trúc đô thị khu vực.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, hiện có 10 đồ án thiết kế đô thị riêng xung quanh nhà ga dọc tuyến metro số 2; trong đó, có 4 đồ án đã chấp thuận danh mục, ghi vốn thực hiện, 2 đồ án (ga Tao Đàn, Bảy Hiền) được chấp thuận danh mục nhưng chưa ghi vốn, 4 đồ án còn lại mới được UBND thành phố chấp thuận chủ trương.
Các khu vực liên quan đến tuyến metro khác như tuyến 3a, tuyến 3b, tuyến số 5 giai đoạn 1 có 6 đồ án đã được UBND thành phố chấp thuận danh mục nhưng chưa được ghi vốn.
Đối với các khu vực dự án khác gồm có 7 đồ án; trong đó, có 5 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực nút giao thông dọc đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây - TP Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1 đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn triển khai thực hiện, 1 đồ án khu vực trung tâm thành phố đã được chấp thuận danh mục, chưa ghi vốn thực hiện và 1 đồ án khu vực bờ sông Sài Gòn đoạn từ bến Nhà Rồng đến Ba Son được chấp thuận chủ trương.
Trước đó, liên quan đến quản lý và khai thác hiệu quả nguồn lực đất trong công tác quy hoạch, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và thông qua đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố”, hiện đang trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai.
Theo đó, có nội dung đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của rộng rãi người dân, doanh nghiệp về việc thu hồi đất kế bên công trình hạ tầng để đấu giá, vừa tăng sự minh bạch; thu hút doanh nghiệp tham gia cũng như tăng nguồn thu ngân sách, góp phần vào chỉnh trang đô thị thành phố.
Tương tự, TP Hồ Chí Minh cũng đang rà soát, lập quy hoạch không gian đô thị dọc sông Sài Gòn nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn việc khai thác quỹ đất, không gian dọc tuyến sông đặc biệt quan trọng này của thành phố.
Trong khi đó, liên quan đến công tác lập quy hoạch đô thị trên địa bàn, hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đang lập quy hoạch điều chỉnh quy chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và quy hoạch chung thành phố Thủ Đức để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Vừa qua cho ý kiến hoàn thiện về nhiệm vụ 2 bản quy hoạch nêu trên, Bộ Xây dựng đã đề nghị TP Hồ Chí Minh rà soát, cập nhật, bổ sung đầy đủ các căn cứ pháp lý và cơ sở để lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh, làm rõ hơn nữa sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung theo nhóm vấn đề.
Trong đó, có nội dung vai trò, vị thế và tính chất của thành phố trong vùng TP Hồ Chí Minh, chiến lược mới phát triển kinh tế - xã hội, sự hình thành các dự án trọng điểm cấp vùng và quốc gia có tác động đến không gian đô thị thời gian qua, tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển không gian đô thị. Đồng thời, làm rõ thêm các đặc điểm tự nhiên, hệ thống sông nước, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các quy hoạch và dự án đang triển khai…
Đối với nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, Bộ Xây dựng đề nghị TP Hồ Chí Minh xác định thời gian quy hoạch đến năm 2040, không xác định tầm nhìn quy hoạch; rà soát bổ sung các căn cứ lập quy hoạch, làm rõ các đặc điểm chủ yếu định hướng phát triển; trong đó, có lợi thế và thách thức khi chuyển đổi vai trò khu đô thị phía Đông TP Hồ Chí Minh, thành thành phố Thủ Đức; mối quan hệ không gian giữa TP Hồ Chí Minh với thành phố Thủ Đức và liên kết với các đô thị lân cận tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.