Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản trả lời báo chí liên quan đến chất lượng thi công đường cao tốc Tp.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây theo kết luận của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước. Theo ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng VEC, vừa qua Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước tiến hành kiểm tra định kỳ về công tác quản lý chất lượng của dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã kết luận: Chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công đã và đang duy trì hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, về công tác giám sát thi công còn hạn chế nên xuất hiện một số tồn tại như thông tin báo chí đã nêu.
Để đánh giá đúng nguyên nhân, chất lượng thi công các hạng mục công trình, VEC cho biết: Thứ nhất, về việc xuất hiện vết nứt, bề mặt bê tông bị rỗ, VEC đánh giá các tồn tại này chỉ xuất hiện cục bộ ở một vài phiến dầm Super - T và một số vị trí bê tông bản mặt cầu xảy ra trên bề mặt do hiện tượng co ngót của bê tông, không gây ảnh hưởng tới chất lượng của công trình (hầu hết các vết nứt đều có kích thước nhỏ hơn 0,2 mm nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án). Tuy nhiên, để đảm bảo chống thấm và mỹ quan công trình, tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu tiến hành vệ sinh, mài sửa bề mặt và xử lý chống thấm bằng keo Sikadur đối với các vết nứt đó.
Đoạn Vành đai II đến Quốc lộ 51 đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây . Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Thứ hai, về việc thi công đắp nền đường tại gói thầu 5A, hiện nay VEC đang yêu cầu nhà thầu rút ngắn tiến độ thi công gói thầu so với hợp đồng đã ký kết nhằm hoàn thành gói thầu và đưa toàn bộ dự án vào khai thác sử dụng theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải. Vì vậy, đòi hỏi đáp ứng khối lượng lớn vật liệu thi công nền đường.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn khai thác mỏ đất (Chính quyền địa phương hạn chế do ảnh hưởng đến môi trường khu vực), khu vực xung quanh gói thầu không có mỏ vật liệu có trữ lượng lớn, chất lượng đồng đều nên phải sử dụng các mỏ đất có quy mô nhỏ, phân tán nên vật liệu từ các mỏ không đồng nhất, cục bộ có lẫn gốc, rễ cây (còn sót sau khi bóc dỡ tầng phủ) và cuội sỏi. Chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu kiểm tra kỹ chất lượng vật liệu khi đưa vào công trường, kiên quyết loại bỏ vật liệu không đảm bảo yêu cầu trước và trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng khi thi công theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Ngoài ra, trong quá trình thi công, cục bộ xuất hiện hiện tượng nước ngầm tại Km 30+140 - Km 30+340, tư vấn giám sát đã đề xuất giải pháp xử lý nước ngầm bằng ống PVC và tầng lọc ngược bằng đá dăm đảm bảo các tiêu chuẩn của dự án. Bên cạnh đó, VEC sẽ tiếp tục theo dõi và yêu cầu tư vấn, nhà thầu xử lý triệt để đảm bảo chất lượng công trình.
Về hiện tượng lún tại gói thầu số 3, hiện tượng này xuất hiện cục bộ từ 3-5 cm tại Km 14+100 - Km14+120. Đây là đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc đất gia cố xi măng (DMM) của gói thầu 2 và phương pháp bơm hút chân không (VCM) của gói thầu 3, nên tốc độ lún dư còn lại có sự chênh lệch. Tuy nhiên, độ lún này vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án (độ lún dư sau 15 năm ≤ 30 cm cho các khu vực đường thông thường). Về vấn đề này, tư vấn giám sát và nhà thầu đã và đang tiến hành quan trắc theo dõi lún để có giải pháp xử lý phù hợp đảm bảo êm thuận và an toàn trong quá trình khai thác. Đồng thời gói thầu đang trong giai đoạn bảo hành nên các kinh phí sửa chữa thuộc trách nhiệm của phía nhà thầu theo quy định.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến và thực hiện các yêu cầu của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng công trình, đồng thời kiên quyết yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu có các giải pháp khắc phục các tồn tại về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Quang Toàn