Tính cả nguồn vốn từ năm trước chuyển sang, năm 2024, kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Quảng Nam xấp xỉ 3.646 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết tháng 5/2024, tỉ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia của các địa phương đều đạt thấp. Theo phản ánh của các cơ quan chức năng và các địa phương, nguyên nhân khiến việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp là do bất cập, vướng mắc từ các cơ chế chính sách. Nhiều địa phương còn chậm hoàn chỉnh thủ tục, làm ảnh hưởng đến việc phân kế hoạch vốn được giao. Riêng chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều tiểu dự án thành phần, mỗi dự án có nội dung khác nhau, song việc hướng dẫn cụ thể còn chậm, dẫn đến địa phương khó triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương, cơ quan có liên quan, đến cuối tháng 6/2024 phải giải ngân hết nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023; cuối tháng 8/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2023; đến cuối tháng 12/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2024. Để đạt mục tiêu trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương trong vùng dự án phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương phân công thành viên theo dõi trực tiếp đến cấp xã, phối hợp các sở, ngành liên quan đôn đốc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên. Hội đồng nhân dân các địa phương trong vùng hưởng lợi của các chương trình mục tiêu quốc gia tăng cường thời lượng kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chương trình này trên địa bàn.
Là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam, trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Phước Sơn là gần 453 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang là hơn 201 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2024 hơn 251 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn vốn của các chương trình trên đều có tỷ lệ giải ngân không như mong đợi.
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung cho biết, những năm gần đây, các công trình xây dựng ở địa phương phải đối mặt với những khó khăn như: giá vật liệu xây dựng, nhất là đất đá và cát tăng cao, gấp gần 2 lần so với dự toán. Các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn, càng làm càng lỗ, một số đơn vị thi công cầm chừng, thêm vào đó là thời tiết ở vùng miền núi cao có số ngày mưa nhiều, có đơn vị thi công không đủ năng lực, dẫn đến khối lượng thi công không đạt.
Bên cạnh đó, một số công trình đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đất đắp nền. Mặc dù một số huyện như Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang đã hoàn thành việc đấu giá nhiều mỏ vật liệu trên địa bàn nhưng để đưa mỏ vào khai thác thì phải mất từ 2-3 năm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình và giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, cùng với sự khan hiếm và không ngừng tăng giá của các loại vật liệu xây dựng thông thường, khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho đồng bào trong vùng dự án, thì thời tiết ở huyện Nam Trà My luôn diễn biến bất thường, số lượng ngày mưa trong năm nhiều là những nguyên nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, kéo theo việc giải ngân vốn đầu tư công không như mong muốn. Để khắc phục tình trạng này, từ đầu năm 2024, huyện Nam Trà My duy trì chế độ trực báo cáo tiến độ thi công mỗi tháng 2 lần, lãnh đạo huyện và các chủ đầu tư tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết tại chỗ những khó khăn của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện nhanh gọn quy trình giải ngân nguồn vốn, ứng vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.