Cả chính quyền địa phương và ngư dân đều nắm bắt Luật Thủy sản 2017, cùng với những tuyên truyền nâng cao ý thức, xử phạt nghiêm khắc, cương nhu phối hợp để đưa nghề cá vào khuôn khổ chống khai thác bất hợp pháp, theo kiến nghị của Ủy ban châu Âu trong lần kiểm tra cuối năm 2022.
Vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong hai vùng biển khai thác lớn của khu vực phía Nam, cũng là nơi lưu trú của hàng nghìn tàu đánh cá từ các địa phương khác tập trung về đây. Xác định nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài, Bà Rịa-Vũng Tàu rất quyết tâm, thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp tích cực.
Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, 15 quyết định, 5 kế hoạch và 10 văn bản khác liên quan tới chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Ngay từ trong năm 2022 UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã triển khai gói tin nhắn cảnh báo. Theo đó, trường hợp tàu cá vươn khơi, nếu mất tín hiệu giám sát hành trình 6 giờ thì chủ tàu sẽ nhận ngay tin nhắn VMS từ VNPT cảnh báo cho chủ tàu biết xử lý. Còn đối với các trường hợp tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình ở tọa độ gần khu vực giáp ranh, gia đình chủ tàu sẽ nhận được giấy thông báo từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Công việc trên diễn ra dồn dập và liên tục, vì vậy, phải huy động cả cán bộ ấp tham gia.
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển còn mỏng, trong khi việc kiểm soát vùng biển rộng lớn, ranh giới một số vùng biển chưa phân định nên khó khăn trong việc xác định vùng biển mà tàu cá vi phạm.
Tuy nhiên, dù lực lượng giám sát mỏng, nhưng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất kiên quyết trong quản lý tàu cá để góp phần tiến đến gỡ thẻ vàng của châu Âu với nghề cá Việt Nam. Ông Nguyễn Công Vinh chia sẻ, ngay tại các địa phương có cảng cá, các lãnh đạo địa phương rất quyết liệt xử lí khi tàu cá vi phạm.
Điển hình như, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Đảng ủy xã đã có kế hoạch số 84-KH/ĐU về việc "Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu về thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép".
Những biện pháp được địa phương này đẩy mạnh thực hiện, đưa ra kiểm điểm trước tập thể những thành viên từ chủ tàu, thuyền trưởng, người tham gia đánh bắt trên chuyến tàu đó; trong đó, kiểm điểm là biện pháp mạnh tay nhất mà xã Phước Tỉnh thường xuyên thực hiện.
Bên cạnh biện pháp mạnh tay xử phạt các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp, các địa phương cũng tăng cường các biện pháp mềm mỏng, nâng cao nhận thức của cả cộng đồng nghề cá trong việc chống khai thác bất hợp pháp. Trong số đó, phải nói đến tỉnh Kiên Giang - địa phương có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước.
Đồng lòng với quyết tâm chống khai thác bất hợp pháp tại tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có thư kêu gọi chủ tàu cá, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, thuyền trưởng và ngư dân trên địa bàn hưởng ứng việc chống khai thác bất hợp pháp. Qua đó, đã nâng lên sự hiểu biết, trách nhiệm và ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng, người dân, nhất là cộng đồng ngư dân và các doanh nghiệp thủy sản, về các quy định chống khai thác bất hợp pháp
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đẩy mạnh phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, tích cực trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để khai thác bền vững, đồng thời tập trung xây dựng chính sách đồng bộ, kịp thời hỗ trợ có hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân. Cụ thể như chính sách liên quan đến vay vốn ngân hàng, hỗ trợ phí lắp đặt, phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình… Đồng thời, tỉnh Kiên Giang cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.