Khắc phục 'thẻ vàng' IUU - Bài 2: Giải pháp mạnh

Cho đến thời điểm này, các hoạt động chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp của đội tàu thuyền Việt Nam, cũng như cách quản lý của chính quyền địa phương các tỉnh đã thực hiện chặt chẽ.

Hoạt động này đều hướng đến mục đích gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU cho hải sản Việt Nam khi vào thị trường châu Âu. Nhưng các chuyên gia châu Âu lại cho rằng, Việt Nam cần mạnh tay hơn nữa trong quản lý khai thác, đánh bắt mới có thể mở ra hướng đi mới.

Chú thích ảnh
Tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Mạnh tay thực thi các quy ước quốc tế

Ngoài những tiêu chí bắt buộc, các tàu cá công suất lớn phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, định vị trong lúc khai thác xa bờ, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đưa ra thêm nhiều tiêu chí khác để cả nhà quản lý Việt Nam và doanh nghiệp thống nhất thực hiện.

Cụ thể, Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về thủy sản; trong đó, khẩn trương hoàn thiện hai nghị định (Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính) theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra châu Âu đưa ra vào cuối tháng 5/2018.

Đồng thời, hoàn thiện các thông tư hướng dẫn để ban hành, bảo đảm chất lượng, đáp ứng thời gian hiệu lực của Luật Thủy sản cũng như triển khai thực thi có hiệu quả. Phía Việt Nam hoàn thành thủ tục để gia nhập Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của Hội Nông Lương thế giới (FAO) và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên Hợp quốc. Các tỉnh có cảng loại 1 thực hiện đầu tư nâng cấp để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và giám sát tàu cá tại cảng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, trọng tâm trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu lớn hoạt động khai thác, đánh bắt, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt kịp thời cho đơn hàng, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) chia sẻ.

Ông Steve Trent, Giám đốc điều hành Tổ chức Môi trường (Tây Ban Nha) cho rằng, các nhà chiến lược còn phải quản lý chặt chẽ việc treo cờ của các tàu khai thác, đánh bắt xa bờ. Bởi nếu không có biện pháp quản lý, thì hiện tượng tàu khai thác hải sản trên biển của quốc gia này vẫn có thể thuận tiện treo cờ của tàu quốc gia khác. Theo ông Steve Trent, đây là một phương pháp tốn ít chi phí và hiệu quả. Có như vậy mới giảm được đánh bắt trái phép, truy xuất nguồn gốc hải sản rõ ràng.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để hạn chế và chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như phát triển bền vững, lực lượng chức năng cần quản lý ngay từ bờ, tập trung các chế tài vào chủ tàu cũng như lập các danh sách cụ thể từng loại hình khai thác. Các tàu đã vi phạm, tàu có nguy cơ vi phạm phải có biện pháp quản lý từng loại chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tập trung quản lý xuất bến cũng như đẩy nhanh tiến độ dự án giám sát tàu cá bằng phương tiện giám sát hành trình.

Áp dụng theo dõi dòng tiền

Chú thích ảnh
Hoạt động mua bán thủy, hải sản tại Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh : Lê Huy Hải/TTXVN

Giao dịch thủy hải sản có giá trị cao nhất thế giới trong các mặt hàng nông nghiệp mỗi năm. Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, ước tính mỗi năm các quốc gia trên thế giới giao dịch khoảng 150 tỷ USD các mặt hàng hải sản. Trong đó, các mặt hàng hải sản khai thác bất hợp pháp không được báo cáo chiếm 23,5 tỷ USD, hơn 15% giá trị thực tế mà người tiêu dùng đóng góp để bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

Chính điều này, Tổ chức Tài chính Liêm chính Toàn cầu (Global Financial Integrity) thuộc Ngân hàng Thế giới đã đề xuất giải pháp quản lý, chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp bằng nhiều giải pháp kết hợp. Cụ thể, các doanh nghiệp thu mua hải sản khai thác, đánh bắt bắt buộc các tàu cá phải nằm trong sự theo dõi và có số nhận dạng duy nhất toàn cầu, các tàu chuyển giao cá phải hợp pháp và có ghi chép đầy đủ.

Ngoài ra, các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các tập đoàn cần phải sử dụng một tài khoản ngân hàng hoặc sản phẩm tài chính để thực hiện mua bán sản phẩm hải sản khai thác, đánh bắt. Đây là cách thức quản lý dòng tiền luân chuyển từ việc tiêu thụ các loại hải sản hiệu quả nhất. Thông qua các hợp đồng giao dịch, công ty tài chính có thể gây sức ép lên các sản phẩm hải sản. Với sản phẩm được khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, thiếu các chứng từ, báo cáo vị trí khai thác, số hiệu tàu, thủy thủ,… sẽ không được thực hiện giao dịch.

Khi kết toán dòng tiền và các hồ sơ chứng từ liên quan đến khai thác, giao dịch hải sản cuối năm, các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể báo chính xác lượng hàng hóa hải sản tiêu thụ một cách hợp pháp. Với những trường hợp vi phạm sẽ có báo cáo cụ thể đến chính quyền địa phương để xử phạt. Bằng cách này, Ủy ban châu Âu sẽ có các báo cáo chính xác nhất trong việc xem xét cho phép số lượng, chủng loại hải sản của một quốc gia nhập khẩu vào thị trường này.

Nhìn chung, bằng mọi biện pháp quản lý, khi có sự kết hợp đồng bộ của đội ngũ tàu thuyền khai thác, đánh bắt, chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng tốt nhất, cùng với các chế tài xử lý vi phạm, sự thống nhất trong các điều khoản giao dịch của ngân hàng, tổ chức tài chính về hải sản,… mới có thể sớm đưa hải sản Việt Nam ra khỏi “vòng kim cô” của Ủy ban châu Âu.

Hồng Nhung (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU- Bài 1: Nỗ lực từ nhiều phía
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU- Bài 1: Nỗ lực từ nhiều phía

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chuyển giao nhiệm vụ triển khai Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT cho các Chi cục thủy sản địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn tất các chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác, đánh bắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN