Sau 3 đợt xả nước phục vụ đổ ải, đến ngày 24/2, những diện tích sẽ cấy lúa xuân 2013 cuối cùng của miền Bắc đã có nước. Nhiều nơi đã cấy xong lúa vụ xuân 2013. Với phần diện tích nhỏ còn lại, bà con đang khẩn trương làm đất, gieo cấy kịp tiến độ theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp.
Nước về từng chân ruộng
Xã Tây Mỗ (huyện Từ Liêm, Hà Nội) có địa hình trũng và là nơi có diện tích trồng nhiều lúa nhất của huyện Từ Liêm. Những ngày cuối của đợt xả nước lần thứ 3 (cũng là lần cuối cùng) từ các hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Tuyên Quang, trên các thửa ruộng ở cánh đồng xã Tây Mỗ, không khí sản xuất thật khẩn trương. Chỗ này là máy làm đất, chỗ kia là người làm cỏ, người khơi thông các con mương nhỏ nội đồng... Vừa nhanh tay khơi rộng mương để nước chảy nhanh, anh Đỗ Văn Nghĩa - một nông dân trong xã, vừa chia sẻ: “Cả ruộng nhà và ruộng của anh em, tổng cộng vụ xuân này nhà tôi cấy 10 sào lúa giống Bắc hương. Hôm nay nước về, chỉ ít bữa nữa làm đất xong, chúng tôi sẽ xuống đồng cấy”.
Nông dân xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm đất để gieo cấy lúa. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Trong vụ lúa xuân này, Tây Mỗ gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác của Hà Nội do việc lấy nước về ruộng phải qua nhiều công đoạn. Ông Đỗ Văn Quảng, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Thống Nhất giải thích: “Xã phải lấy nước từ Trạm thủy nông Đan Hoài (phục vụ nước tưới cho huyện Hoài Đức, một số xã của Thanh Oai và Từ Liêm) từ đầu nguồn sông Cầu Ngà. Đường dẫn nước từ trạm Đan Hoài về Tây Mỗ dài mấy chục cây số. Nước về đến xã, chúng tôi phải đắp đập tạm để chặn nước. Sau đó, vào ban đêm, HTX tổ chức bơm vào hệ thống kênh mương để đưa nước đến các hồ, ao. Vào ban ngày, hai trạm Đồng Gào và Cầu Cốc sẽ bơm nước theo hệ thống mương nội đồng để dẫn nước ra ruộng. Đến nay, những chân ruộng cuối cùng của xã đã có nước. Theo nhận định của chúng tôi, lượng nước này cơ bản sẽ đủ cho vụ xuân 2013”, ông Quảng khẳng định.
Đẩy nhanh tiến độ gieo cấy
Vụ xuân 2013, xã Tây Mỗ gieo cấy tổng cộng 142 ha lúa. Đến nay, toàn xã mới cấy được một diện tích nhỏ do lượng nước đổ ải từ đợt 1 và 2 chưa cung cấp đủ nước cho các chân ruộng. Các hộ nông dân chia sẻ, thời tiết đang ấm, rất thuận lợi cho việc gieo cấy. Theo ông Đỗ Văn Quảng, so với những xã thuộc các huyện ngoại thành của Hà Nội thì Tây Mỗ của huyện Từ Liêm cấy muộn nhất.
Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các địa phương phải cấy xong trong tháng 2/2013. Toàn thành phố Hà Nội sẽ gieo cấy khoảng 100.000 ha lúa xuân. Đến thời điểm này, một số huyện như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên... cơ bản đã cấy xong.
Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương khác ở miền Bắc cũng đang khẩn trương gieo cấy lúa xuân 2013. Vụ này, toàn tỉnh Vĩnh Phúc gieo cấy 30.500 ha lúa. Đến ngày 22/2, theo bà Thiều Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, tỉnh đã cấy được 97% diện tích, đổ ải xong 100% và theo kế hoạch, nông dân trong tỉnh sẽ cấy xong trước 25/2. Hiện nay, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang hướng dẫn bà con nông dân trữ nước tưới dưỡng, bón phân cho lúa sinh trưởng tốt.
Tại Hải Dương, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo cấy được toàn bộ 63.500 ha và bà con đang tiến hành bón phân đợt 1 cho lúa.
Đến ngày 24/2, Bắc Ninh đã cấy được trên 60% trong tổng số 36.000 ha lúa xuân. Ông Phùng Đức Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh khẳng định, tỉnh cố gắng cơ bản cấy xong trước 28/2. Còn khoảng 5% diện tích sẽ hoàn tất trong đầu tháng 3/2013.
Trước nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ xuân 2013, các địa phương cũng đã có kế hoạch chủ động trữ nước. Theo bà Nguyễn Thị Nắng Mai, Trưởng phòng Kinh tế (UBND huyện Từ Liêm), sau hai đợt xả nước đổ ải từ ba hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trước Tết, bà con nông dân trong huyện đã tích cực lấy nước. Hệ thống thủy nông của huyện cũng thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét để đáp ứng nhiệm vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cũng cho biết: “Những năm trước, trong vụ đông xuân, vùng Chí Linh và Cẩm Giàng thường xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, nhưng tại thời điểm này, tình hình vẫn thuận lợi. Tỉnh vừa lấy nước đổ ải vừa chuẩn bị tích trữ tại các hệ thống ao, hồ”.
Còn ở Bắc Ninh, để có đủ nước đổ ải, cấy lúa, từ tháng 1/2013 đến nay, tỉnh đã đưa hệ thống trạm bơm dã chiến vào hoạt động với cường độ cao. “Chúng tôi ưu tiên việc đưa nước về các chân ruộng, sau đó mới tích trữ ở các kênh chìm và ao hồ để có nước phục vụ cho tưới dưỡng trong thời gian tới”, ông Chiến cho biết.
Mạnh Minh