Đây là nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại Diễn đàn kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nghêu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, sáng 30/8.
Bà Lê Hằng, Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nghêu là một trong 4 sản phẩm thủy sản nuôi trồng chủ lực của Việt Nam bên cạnh tôm, cá tra, cá rô phi và đây cũng là sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng. Nhưng trên thực tế đến nay giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ nói chung, nghêu nói riêng của Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng 200 triệu USD/năm.
Theo bà Lê Hằng, nguyên nhân là do sản lượng nguồn nguyên liệu không ổn định cộng thêm những tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu nên nghêu Việt vẫn gặp khó trong xuất khẩu. EU hiện là thị trường xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn nhất của Việt Nam, riêng với sản phẩm nghêu EU chiếm tới 52% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có yêu cầu khắt khe nhất trong việc sơ chế và kiểm soát nguồn gốc nghêu.
Cụ thể nghêu xuất khẩu vào EU phải được thu hoạch từ vùng nuôi nằm trong Chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm; hồ sơ đăng ký của nhuyễn thể sống phải đầy đủ các thông tin nhận dạng và địa chỉ của người thu gom; vị trí, thời gian thu hoạch, tình trạng vệ sinh vùng thu hoạch, địa chỉ, thời gian nơi làm sạch…đồng thời, phải được xử lý nhiệt và thanh trùng với những thông số chính xác.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, chuyên gia dự án của VCCI nhận định, các tỉnh ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nghêu. Trước đây thu nhập của người nuôi nghêu có thể đạt 40 -50 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây mức thu nhập của người nuôi bị giảm sút đáng kể do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Hầu hết người dân còn nuôi nghêu theo tập quán cũ với quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi, phụ thuộc vào giá cả và hoạt động thu mua của thương lái.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến nhỏ còn hạn chế về năng lực và kỹ thuật chế biến, chủ yếu sơ chế đơn giản với chất lượng, giá trị thấp còn các doanh nghiệp lớn lại thiếu kết nối với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.
Thực trạng này kéo dài nhiều năm khiến cả hộ sản xuất và doanh nghiệp chế biến khó áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả ngành nuôi nghêu và giá trị xuất khẩu nghêu của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng là yêu cầu bắt buộc và là chìa khóa để sản phẩm nghêu có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có vùng nuôi nghêu Bến Tre đạt được chứng nhận theo tiêu chuẩn đánh bắt thủy sản của Hội đồng Quản lý Hàng hải (MSC), các tỉnh còn lại như: Trà Vinh, Tiền Giang chưa quy hoạch và kiểm soát được vùng nuôi nghêu.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trong thời gian tới, sản phẩm nhuyễn thể Việt Nam nói chung và nghêu nói riêng sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU bởi nhu cầu tiêu dùng của khu vực này rất lớn. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) đi vào thực thi dòng thuế cơ bản 20% hiện nay sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thì nghêu Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt về giá cả.
Để tận dụng được cơ hội này, không còn cách nào khác là hộ nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải nhanh chóng liên kết, cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững mà thị trường yêu cầu.