Kẻ được, người mất về kinh tế trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Dư luận thế giới dường như hướng mọi sự chú ý vào các diễn biến chính trị ở Ukraine thời gian gần đây, mà thiếu đi những đánh giá về những hệ quả kinh tế sau sự kiện ngày 22/2. Ai là người được, ai là kẻ mất về kinh tế trong cuộc khủng hoảng này?

1. Nga: Mất nhiều hơn được


Việc phe đối lập lên tiếm quyền ngày 22/2 chính là sự tiếp nối trong kế hoạch của phương Tây nhằm tách kinh tế của Ukraine khỏi ảnh hưởng của Nga, một kế hoạch được khởi động từ năm 2004 qua cuộc “Cách mạng cam”. Về trung hạn, tổn thất mà Nga sẽ phải gánh chịu là khoản tiền 1 – 2 tỉ USD thuộc gói cứu trợ đã giải ngân mà nhiều khả năng Ukraine sẽ không trả. Khoản tiền 2 tỉ USD từ các hợp đồng mua khí đốt dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych cũng đứng trước nguy cơ bốc hơi.

Về dài hạn, những lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, EU nhằm vào Nga cũng sẽ gây ra các tác động tiêu cực, dù quy mô và cấp độ cấm vận là điều còn chưa rõ, khi mà Mỹ muốn áp đặt nhiều biện pháp cứng rắn, trong khi EU còn chần chừ vì có nhiều ràng buộc đối với Nga. Đó là việc dòng vốn đầu tư thoái khỏi Nga, diễn biến xấu trên thị trường chứng khoán và tỉ giá. Xuất khẩu của Nga sang Ukraine và các nước phương Tây, nhất là EU sẽ chứng kiến mức giảm sút cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhưng sẽ bù đắp được một phần thông qua việc hướng đông, tiến đến thị trường Trung Quốc và châu Á. Nói tóm lại, Nga sẽ chịu tổn thất từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng mức độ không nghiêm trọng như những gì truyền thông, quan chức Mỹ và phương Tây tuyên bố.

2. EU: Mong manh giữa được và mất

Khủng hoảng Ukraine đưa đến những tổn thất đối với các nền kinh tế châu Âu. Nếu như khủng hoảng tiếp tục lún sâu, giá dầu mỏ, khí đốt, lương thực cùng giá nguyên nhiên liệu sẽ tăng. Đó sẽ là điều không mấy dễ chịu đối với EU, vốn khá nhạy cảm trước các diễn biến trên thị trường năng lượng và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Đồng euro cùng với các thị trường chứng khoán nội khối cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Đồng euro tăng giá sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa yếu đi. Các nhà xuất khẩu EU, đặc biệt là Đức, sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt giảm doanh số. Sự phục hồi kinh tế trong eurozone sẽ lại bị đặt dấu hỏi lớn.

Ở một chiều hướng khác, các ngân hàng châu Âu trong ngắn hạn sẽ được hưởng lợi từ các hợp đồng tài chính của IMF với Ukraine. Các tập đoàn xuyên quốc gia của châu Âu cũng được trao cơ hội mua lại các công ty, tập đoàn công nghiệp của Ukraine với mức giá “rẻ mạt”.

3. Ukraine: Người mất mát nhiều nhất

Tương lai nào chờ đón những người biểu tình từng xuất hiện tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev? Ảnh: RIA Novosti


Người dân Ukraine sẽ chịu nhiều tổn thất nhất từ cuộc khủng hoảng. Các khoản vay từ IMF là một liều thuốc đắng, vì nó đi liền với kế hoạch chi tiêu khắc khổ: Buộc phải cắt giảm trợ cấp khí đốt, cắt giảm lương hưu, cắt giảm việc làm, xóa bỏ các dịch vụ... mức sống của người dân sẽ còn giảm nữa, với GDP được dự báo là sẽ giảm từ 5% - 15% trong năm tài khóa 2014 - 2015.

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk thừa nhận, cần gấp một khoản tiền 20 tỉ USD để cứu nền kinh tế khỏi bị sụp đổ. Nhưng khi tỉ giá biến động mạnh, xuất khẩu tiếp tục giảm, thì ngay cả khoản tiền cứu trợ 15 tỉ USD mà IMF hay EU cam kết cũng không thể bù đắp được. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự phục hồi, cùng với xu hướng mất giá của đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi, thì việc đồng nội tệ hryvnia mất giá 20% như vừa qua sẽ là một cú đánh mạnh vào nền kinh tế Ukraine.

Với việc Crimea tuyên bố độc lập, những khó khăn về kinh tế chính trị ở Ukraine thực sự đã sang một nấc mới, dễ tạo ra phản ứng dây chuyền ở một số tỉnh, thành phố miền đông. Chính trị bất ổn đương nhiên sẽ kéo theo đầu tư, kinh doanh, sản xuất giảm, còn thất nghiệp và lạm phát sẽ tăng. 

4. Mỹ: Người hưởng lợi

Mỹ là nước bị mất ít nhất trong ngắn hạn, nhưng lại là nước thu lợi nhiều nhất trong dài hạn. Washington đã cam kết gói viện trợ 1 tỉ USD cho chính quyền Ukraine. Và dường như, đó cũng là tất cả những gì mà Mỹ sẽ làm, trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kì diễn ra vào tháng 11 tới. Giữa lằn ranh mong manh về biện pháp cứng rắn - mềm dẻo cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhiều khả năng chính quyền của Obama sẽ chọn lựa cách “đi hàng giữa”.

Dưới góc độ kinh tế, việc “thúc” EU giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga và hứa sẽ bù đắp bằng nguồn xuất khẩu từ Mỹ là một bước tính mưu mẹo. Mỹ hiện đã có lượng khí đốt dư thừa, nhờ vào công nghệ khai thác khí đá phiến và khai thác mỏ mới. Sự dư thừa này đã làm giá khí đốt ở Mỹ giảm, đi cùng đó là sự tụt giảm lợi nhuận của các hãng khai thác. Tìm đường xuất khẩu sang châu Âu sẽ là một mũi tên trúng 2 đích: Giá khí gas và lợi nhuận ở Mỹ sẽ tăng, cùng với khoản lời thu được từ thị trường nước ngoài. Điểm mấu chốt hiện nay chính là luật chưa cho phép xuất khẩu, nhưng đó không phải là rào cản quá lớn, vì luật là do con người tạo ra. Về thương mại, rạn nứt trong quan hệ kinh tế Nga – EU sẽ là cơ hội để Mỹ gia tăng thị phần xuất khẩu tại EU, mà ở đó các tổ hợp quân sự sẽ là người hưởng lợi đầu tiên.

5. Các tập tư bản đoàn xuyên quốc gia: Kẻ được lớn nhất

Dễ nhận thấy nền kinh tế Ukraine hiện không có sức cạnh tranh, phụ thuộc quá nhiều vào mô hình phát triển lỗi thời tập trung vào các ngành công nghiệp như khai mỏ, luyện kim, các ngành “tiền xã hội thông tin”. Có lẽ vậy mà Ukraine sẽ là “miếng bánh” hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn xuyên quốc gia của Mỹ, châu Âu.

Từ lâu, kinh tế Ukraine đã phải phụ thuộc nhiều vào nguồn điện từ vào các nhà máy thủy điện và điện hạt nhân. Đây sẽ là thị trường lý tưởng đối với các tập đoàn xây dựng hạt nhân – những công ty đang bị chính người dân nước sở tại phản đối, tẩy chay, không cho xây dựng các nhà máy mới.

Cùng lúc, Ukraine là nhà xuất khẩu các mặt hàng quân sự lớn thứ 6 trên thế giới, với các sản phẩm như máy bay, phương tiện vận tải, hệ thống phòng không hiện đại. Nước này cũng đứng hàng thứ 4 về nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ và Nga. Ngành đóng tàu của Ukraine thuộc diện hàng đầu thế giới, kể cả đóng tàu chở dầu. Cùng với đó là những cơ sở hạ tầng phát triển của ngành chế tạo xe tải, xe buýt. Nông nghiệp Ukraine có thế mạnh nổi trội, với khoảng 30% diện tích đất trồng trọt màu mỡ nhất thế giới, với sản lượng làm ra có chi phí luôn thấp hơn các nước châu Âu.

Điều mà các tập đoàn xuyên quốc gia “nhòm ngó” ở Ukraine là làm sao để nắm quyền sở hữu, chi phối các ngành công nghiệp, sản phẩm trên đây, đưa chúng trở thành một bộ phận trong các kế hoạch mở rộng chuỗi sản xuất toàn cầu. Kế hoạch “xâm lấn” này sẽ được IMF và các thiết chế tài chính trợ giúp một phần dưới hình thức “đầu tư gián tiếp nước ngoài”.


Hoài Thanh (Tổng hợp)
Kinh tế Nga bên bờ khủng hoảng
Kinh tế Nga bên bờ khủng hoảng

Chứng khoán mất điểm, đồng nội tệ bị đe dọa, nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy là cái giá mà Nga đang phải đương đầu sau khi Mỹ và châu Âu công bố các biện pháp trừng phạt vì căng thẳng tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN