Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran đạt được với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đã mang lại cho Iran những vận hội mới.
Ngày 14/7, người dân Iran đổ ra đường phố ở thủ đô Tehran mừng chiến thắng sau khi nước này và P5+1 ký thỏa thuận lịch sử. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 17/7, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Pakistan Shahid Khaqan Abbasi tuyên bố nước này sẽ nối lại dự án xây dựng tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Iran (IP) vào tháng 10 và sẽ đưa vào hoạt động trong hai năm tới.
Theo Bộ trưởng Abbasi, chính phủ Pakistan đang làm hết sức mình để hoàn thành phần việc của mình trong dự án IP trong hai năm tiếp theo. Hiện Iran đã xây dựng xong 900 km đường ống và đang chờ đợi phía Pakistan hoàn tất 700 km còn lại chạy qua lãnh thổ của nước này.
Cùng ngày, truyền thông Ấn Độ cho biết nước này có kế hoạch xây dựng một khu phức hợp luyện nhôm với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD tại Iran.
Kế hoạch nói trên đã được đưa ra bàn thảo từ năm 2014, trong đó gồm một nhà máy luyện nhôm công suất 500.000 tấn mỗi năm và một nhà máy điện công suất 1.000 MW.
Trữ lượng than của Ấn Độ không đủ để sản xuất điện cung cấp cho các nhà máy luyện nhôm, trong khi kế hoạch nhập khẩu than là không khả thi. Do vậy, quốc gia này buộc phải tìm kiếm các nguồn dự trữ và xây dựng nhà máy luyện nhôm ở nước ngoài.
Trong khi đó, với các nguồn năng lượng dồi dào và công suất phát điện lớn, Iran được xem là điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất nhôm. Hiện Iran tự sản xuất khoảng 340.000 tấn nhôm mỗi năm và dự kiến sẽ nâng sản lượng lên 1,5 triệu tấn vào năm 2025 với khoản đầu tư khoảng 12 tỷ USD.
Một số tập đoàn lớn của Ấn Độ cũng đang rất quan tâm tới các cơ hội kinh doanh tại Iran. Tập đoàn đa quốc gia Larsen & Toubro được cho là mong muốn đầu tư vào các dự án dầu khí tại Iran, trong khi Tata Power và Adani Enterprises đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực điện năng và cảng biển tại Iran.