Tại cuộc họp báo ngày 19/12, phát ngôn viên IMF, bà Julie Kozack, cho biết dữ liệu từ vài tháng gần đây cho thấy thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt, trong khi lạm phát cao hơn dự kiến, nhưng vẫn đang trên đà giảm về mục tiêu. Vì vậy, với bối cảnh này, IMF nhận thấy hành động của Fed là phù hợp.
Bà cũng nhấn mạnh quá trình giảm lạm phát của Mỹ không gây ra nhiều tác động tiêu cực đến việc làm như dự kiến. IMF dự báo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ kết thúc năm 2024 ở mức dưới 3% và giảm dần về mục tiêu 2%.
Cũng trong ngày 19/12, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giữ nguyên lãi suất, nhưng không đưa ra manh mối rõ ràng về thời điểm có thể tăng chi phí đi vay. Lý do là BoJ đang chờ đợi kế hoạch kinh tế và thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Bà Kozack cho biết IMF cũng xem các hành động của BoJ là phù hợp. Theo bà Kozack, IMF khuyến nghị BoJ tiếp tục chính sách tiền tệ dựa vào dữ liệu khi ngân hàng này tìm cách bình thường hóa chính sách và đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu.
Khi được hỏi về kế hoạch của ông Trump về việc lập kho dự trữ bitcoin chiến lược của Mỹ, bà Kozack từ chối bình luận. Bà cho biết IMF sẽ đánh giá đầy đủ các chính sách của ông Trump khi chúng được thực hiện sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025.
Thỏa thuận vay trị giá 2,4 tỷ USD mà IMF vừa đạt được với El Salvador (En Xan-va-đô) trong tuần này yêu cầu nước này phải hạn chế các hoạt động bitcoin chính thức. Bà Kozack cho biết IMF nhận thấy cả cơ hội và rủi ro đối với tài sản tiền điện tử, bao gồm rủi ro đối với sự ổn định và tính toàn vẹn tài chính cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Các quốc gia nên có khung chính sách để giải quyết những rủi ro này.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng các tổ chức tài chính đang áp dụng công nghệ cơ bản của tài sản tiền điện tử cho các hệ thống thanh toán, bảo mật và hoạt động văn phòng.