ICAEW:Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khối ASEAN trong năm 2016

Theo báo cáo "Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á", nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm tới, trong khi các nước khác trong khối ASEAN, trừ Malaysia, sẽ có sự phục hồi ở mức độ vừa phải. Trong số 6 nền kinh tế lớn của khối ASEAN được khảo sát trong báo cáo, Việt Nam, Philippines và Indonesia dự kiến sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất, lần lượt đạt mức 6,3%, 6,1% và 5,1% trong năm 2016.

Năm 2015, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế ASEAN với mức tăng trưởng lên tới 6,7% nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đạt mức kỷ lục, kèm theo tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, bất chấp giá cả hàng hóa ở mức thấp.Từ năm 2016 đến 2018, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt ngưỡng 6-7% nhờ những cải thiện về khả năng tiếp cận thương mại sẽ bù đắp cho sự chững lại của một số đối tác thương mại chính.Nền kinh tế của Việt Nam cũng có sự đa dạng hóa với sự tăng trưởng của các ngành nghề khác ngoài dệt may.


Tuy nhiên, trong 10 năm qua, hệ số nợ tư nhân trên GDP của Việt Nam đã tăng tới 40 điểm phần trăm – mức cao nhất trong khu vực.Các chuyên gia của ICAEW cảnh báo Việt Nam phải có chính sách phù hợp để bảo đảm hệ số nợ tư nhân trên GDP không vượt ngưỡng trần 65%, sau khi đã lên tới 60% trong năm 2015.


Ông Tom Rogers, Cố vấn Kinh tế của ICAEW kiêm Phó Giám đốc của tổ chức Oxford Economics cho hay: “Khi ASEAN và các nền kinh tế trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh chung, một câu hỏi tất yếu đặt ra là người ta sẽ nhầm lẫn giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và siêu chu trình tuần hoàn của hàng hóa với sự tăng trưởng mạnh mẽ về cơ cấu của một số nước đến mức nào. Những nước thành công nhất trong khối ASEAN-6 sẽ là những nền kinh tế đạt được tăng trưởng nhờ những nền tảng trong nước vững chắc, cùng với sự hỗ trợ về chính sách. Trên quan điểm này, chúng tôi cho rằng Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong số các nền kinh tế ASEAN-6, qua đó cũng phản ánh những sự lành mạnh của những nhân tố nội địa như tỉ lệ nợ thấp, sự ổn định vĩ mô và mức lương cạnh tranh. Những yếu tố trên sẽ giúp các nước này tiếp tục tăng thị phần trong những ngành nghề có chi phí thấp”.


Ảnh hưởng của việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ không đồng đều giữa các quốc gia ASEAN.Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, Singapore và Thái Lan, trong đó Malaysia và Singapore là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trước sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, do vị trí của những nước này trong các chuỗi cung ứng khu vực về mặt hàng điện tử.Nhu cầu và giá hàng hóa giảm cũng sẽ là một nguyên nhân đáng lo ngại.


Indonesia, Philippines và Việt Nam ít tham gia hơn vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nơi mà Trung Quốc đang dư thừa năng lực. Mức lương cạnh tranh của những nước này cũng có nghĩa là các diễn biến ở Trung Quốc sẽ khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình công nghiệp hóa của mình.


Ông Mark Billington, FCA, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của ICAEW cho biết: “Khi các nước ASEAN tiếp tục cải cách nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng vừa phải trong mấy năm tới, sẽ vẫn có những giai đoạn biến động trên thị trường tài chính do các nước này phải điều chỉnh theo xu hướng tăng trưởng mới của Trung Quốc. Sự chững lại sâu hơn dự kiến của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa chính cho các nền kinh tế ASEAN, cùng với sự biến động lớn hơn của thị trường tài chính cũng như việc thắt chặt các điều kiện tài chính khi các nước công nghiệp hóa kiện toàn chính sách tiền tệ. Tình hình này sẽ đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến những nền kinh tế có mức nợ cao.”


Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra một số nhận định. Cụ thể, các chỉ số của Indonesia khá phức tạp, theo đó sự chững lại kéo dài của giá cả hàng hóa làm thu nhập suy giảm, trong khi thị trường lao động mất đà tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ gia đình và khấu trừ đi một phần mức tăng trưởng đạt được nhờ lạm phát đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, căn cứ vào các yếu tố ngoại lai phù hợp, ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất.Yếu tố này cùng với mức tăng chi tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng dự tính là 8% trong năm nay, sẽ góp phần thúc đẩy lượng cầu trong nước tăng.


Bên cạnh đó, trước việc chính phủ Malaysia đang đối mặt với những khó khăn đáng kể,  báo cáo cũng dự  đoán nguy cơ sụt giảm thứ hạng tín nhiệm ngày càng tăng. Đợt giảm giá dầu gần đây nhất cũng như sự nhạy cảm của đồng nội tệ với các dòng vốn chảy ra bên ngoài đồng nghĩa với việc chính phủ không có nhiều dư địa chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Malaysia rơi vào một tình trạng ‘nghịch cảnh tài nguyên’ kinh điển, trong đó lĩnh vực hàng hóa tăng trưởng mạnh trong thời kỳ bùng nổ kèm theo tỉ giá tăng, dẫn tới giảm năng lực cạnh tranh và tình trạng ít đầu tư vào các lĩnh vực phi hàng hóa.Vì thế, Malaysia sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi có những biến động lớn tiêu cực về giá khi hàng hóa ở vào giai đoạn đi xuống trong chu trình.


Với Philippines, dự kiến nước này sẽ vẫn có mức tăng trưởng mạnh. Các khảo sát gần đây cho thấy tình hình khả quan về kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng, trong khi chính sách tài khóa nới lỏng cũng hỗ trợ hoạt động. Các nỗ lực nhằm xử lý nút thắt về chi tiêu có thể nói đã cho thấy hiệu quả, trong đó chi tiêu của Chính phủ trong vòng 6 tháng qua tăng nhanh hơn nhiều so với các năm trước.


Và cuối cùng, ngành dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Singapore. Xuất khẩu các mặt hàng ngoài xăng dầu và lĩnh vực sản xuất, chế tạo trong nước sẽ tiếp tục giảm trong năm tới.Tăng đầu tư của nhà nước và mức chi tiêu hộ gia đình ổn định sẽ hỗ trợ ngành dịch vụ (chiếm tới 2/3 nền kinh tế), nhưng các lĩnh vực dịch vụ đi liền với xăng dầu và tái xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng nhiều trước sự suy yếu của nền thương mại trong khu vực.

PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN