Huy động vốn ngoài ngân sách cho giao thông

Từ nay đến năm 2020, nhu cầu nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông cần khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong đó, dự kiến huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách 347.800 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất cơ chế phù hợp để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư từ khối các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng.

Đầu tư hạ tầng trọng điểm

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT đã huy động được 370.283 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó huy động theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), PPP (hợp tác công tư)… là 121.833 tỷ đồng. Nhờ vậy, mạng lưới hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Nhiều dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp có tầm cỡ khu vực và quốc tế được hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả tốt như: Cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh, Nhà ga T2 Nội Bài…

Đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum theo hình thức BOT góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.


Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, để tiếp tục phát huy thành quả này, giai đoạn 2016 - 2020, ngành GTVT cần khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong đó, có thể huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng 347.800 tỷ đồng, chiếm 34,3%; từ nguồn vốn ODA khoảng 245.000 tỷ đồng, chiếm 24,1%. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Hợp tác công tư (Bộ GTVT), đơn vị xây dựng nhu cầu vốn đầu tư GTVT giai đoạn 2016 - 2020 cho biết: Nhu cầu vốn giai đoạn này sẽ tập trung đầu tư trọng điểm để tạo đột phá, giúp giao thông hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước là chủ yếu, nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường vai trò quản lý nhà nước.

Cụ thể, lĩnh vực đường bộ dự kiến sẽ huy động khoảng 164.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để xây dựng các tuyến cao tốc: Nội Bài - Bắc Ninh, Biên Hòa - Phú Mỹ - Cái Mép, Dầu Giây - Phan Thiết,… nhằm hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 2.500 km đường cao tốc; đồng thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ trọng yếu có nhu cầu vận tải lớn, kết nối các trung tâm kinh tế.

Lĩnh vực hàng hải dự kiến huy động khoảng 44.000 tỷ đồng để phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cửa ngõ quốc tế, các cảng biển nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Trong đó, ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại hai cảng biển của ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa)…

Lĩnh vực đường thủy nội địa cũng sẽ huy động khoảng 11.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống cảng chuyên dùng và một số tuyến luồng đường thủy trọng yếu khu vực phía Bắc, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Hàng không huy động khoảng 56.000 tỷ đồng, đường sắt huy động khoảng 14.000 tỷ đồng để xây dựng hê thống nhà ga, kho bãi…

Vốn xã hội hóa - kênh chủ lực

Thực tế, trong những năm qua, nếu không có các hình thức đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa thì ngành GTVT không thể có bộ mặt kết cấu hạ tầng phát triển như hiện nay. Đơn cử như trong lĩnh vực hàng không, từ năm 2013 đến nay, hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng bằng việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách như: Sân bay Phú Quốc, Nhà ga T2 Nội Bài, các nhà ga Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Bài... Những công trình này đã làm thay đổi đáng kể hạ tầng ngành hàng không.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về nhu cầu vốn của ngành, Bộ GTVT sẽ triển khai ngay các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực vốn xã hội hóa, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm: Thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý liên quan về chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức đầu tư khác nhau, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đã được ban hành. Bộ GTVT cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực GTVT, tham gia vào quá trình chuyển nhượng quyền khai thác và thuê lại các công trình kết cấu hạ tầng đã hoàn thành. Và thực tế đã minh chứng, nguồn vốn xã hội hóa đang ngày càng trở thành kênh vốn chủ lực để đầu tư vào hạ tầng.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 15/CP (ngày 14/2/2015) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có hiệu lực từ ngày 10/4/2015, tạo hành lang pháp lý mới thúc đẩy kênh huy động vốn này.

Tiến Hiếu
Gỡ điểm nghẽn về giao thông cho Tây Nguyên
Gỡ điểm nghẽn về giao thông cho Tây Nguyên

Từ ngày 27 - 30/6, Bộ Giao thông Vận tải cùng với các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước đã tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua Tây Nguyên (quốc lộ 14).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN