Hướng tới sản phẩm quốc tế thương hiệu Việt

Việt Nam đã là quốc gia có “tên tuổi” trong bản đồ xuất khẩu thế giới đối với một số mặt như cà phê, gạo, hạt tiêu, tôm, cá tra, dệt may... nhưng vẫn thiếu những mặt hàng tạo dựng được thương hiệu riêng để khẳng định vị thế bền vững trên trường quốc tế.

Cụ thể, tại thị trường EU, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ ba về hải sản, thứ tư về cà phê và là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, tiêu, điều nhưng gần như không có người châu Âu nào biết sản phẩm mình đang dùng xuất xứ từ Việt Nam. Bởi hầu hết các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này không có tên và thương hiệu Việt Nam. Riêng sản phẩm chè, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu và có 110 nước biết đến. Thế nhưng Hiệp hội chè lại cho biết, giá chè Việt Nam chỉ bằng ½ giá chè bình quân trên thế giới, 98% lượng chè xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. 

Cho rằng các sản phẩm nông sản vẫn "mông lung” về thương hiệu, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo Đánh giá tiềm năng xuất khẩu Quốc gia (Bộ Công Thương) nói thêm, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, chưa đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ dẫn đến giá trị gia tăng cho hoạt động xuất khẩu còn thấp.

Để khắc phục những hạn chế này, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN cần tăng cường liên kết chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, triển lãm, hội nghị. Đặc biệt, “điều quan trọng nhất các DN cần xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để khẳng định vị thế cạnh tranh bền vững thay cho việc bổ sung vào thành tích kim ngạch xuất khẩu cao mà thực chất lợi ích để lại cho quốc gia rất hạn chế”, ông Lang nhấn mạnh.

Các chuyên gia thương hiệu cũng kêu gọi DN Việt Nam phải có chiến lược dài hạn về phát triển thương hiệu xuất khẩu. Nếu XK theo hình thức gia công, lợi nhuận sinh ra từ các sản phẩm của Việt Nam thuộc về các công ty nước ngoài và Việt Nam đánh mất những lợi thế mà chúng ta đang có.

Ông Stephen Kreppel, chuyên gia xây dựng thương hiệu của Công ty tư vấn National Consultancy cho rằng, Chính phủ cần đưa ra được tầm nhìn dài hạn và đưa ra được giải pháp trong giai đoạn đầu. Không một nhà sản xuất đơn lẻ nào có khả năng xây dựng thương hiệu hoặc thâm nhập thị trường xuất khẩu một cách độc lập. Bên cạnh đó, DN phải có định hướng tiên phong trong ngành hàng sản xuất, kinh doanh của mình.

“Mỗi ngành đều có yếu tố sức mạnh cạnh tranh tiềm ẩn của mình. Nếu trong ngành có một vài DN thực sự tham vọng thì họ sẵn sàng tiên phong tạo ra mặt hàng có sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Trong một ngành hàng, không thể đòi hỏi tất cả các DN tiên phong mà chỉ cần một vài DN thực sự tham vọng đóng vai trò đầu tàu kéo các DN khác”, ông Stephen Kreppel nhận xét.


Thu Hường (thực hiện)
Chấp nhận cạnh tranh để tạo lập vị thế tiên phong
Chấp nhận cạnh tranh để tạo lập vị thế tiên phong

Theo các chuyên gia thương hiệu, cùng với tiến trình hội nhập ngày càng sâu vào thị trường quốc tế, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia (THQG) càng trở nên quan trọng để giúp doanh nghiệp (DN), sản phẩm hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN