Hướng đi mới của doanh nghiệp từ phát triển kinh tế tuần hoàn

Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp nằm trong danh sách Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam vẫn có những thống kê rất khả quan về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021, đồng thời có những đóng góp tích cực cho cho xã hội trong việc chung tay phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Có thể thấy, việc thực hiện tiêu chí phát triển bền vững cùng với những trải nghiệm qua dịch COVID-19 đã tạo cho doanh nghiệp những "kháng thể" mạnh để tiếp tục duy trì và bứt tốc trong thời gian tới.

Trước thềm sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) và Lễ Công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI) 2021 diễn ra vào ngày mai (9/12), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) một số nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn và quản trị doanh nghiệp.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được truyền thông khá nhiều trong thời gian qua và có không ít mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai, tạo hiệu ứng tích cực. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của mô hình này và những giá trị đem lại?

Kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó có thể là mô hình VAT (vườn - ao - chuồng), một mô hình mà đất nước nông nghiệp chúng ta thời kỳ đó đã áp dụng khá thành công. Còn có khái niệm “khu công nghiệp sinh thái”, “sản xuất sạch hơn”, “không phát thải” hay tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất... - một phần của kinh tế tuần hoàn - cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, có thể coi đó là những khái niệm còn rời rạc, xen kẽ và thiếu tính hệ thống. Kinh tế tuần hoàn đem đến một góc nhìn với tư duy hệ thống mới về việc sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn, vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với cách thức truyền thống hiện tại.

Theo một nghiên cứu của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD), việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tạo ra ít nhất 7.700 tỷ USD cơ hội thị trường vào năm 2030 cho doanh nghiệp và hơn 380 triệu cơ hội việc làm mới, đồng thời duy trì đà tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.

Xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và được đưa vào bộ Luật Môi trường năm 2020. Đây là nỗ lực thực hiện xây dựng hành lang pháp lý, khung thể chế để thúc đẩy áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn đã được VBCSD và VCCI đưa vào các chương trình hoạt động từ năm 2016 tới nay và trở thành chủ đề thảo luận tại các diễn đàn, hội nghị về phát triển bền vững được tổ chức thường niên. Điều này nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, chia sẻ của Chính phủ, các bộ, ngành, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Tháng 1/2018, VBCSD và VCCI đã chính thức triển khai “Sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. Đây là nỗ lực nhằm đi tiên phong trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng một nền kinh tế phi phát thải.

Năm 2020,  VBCSD và VCCI đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, tích cực phối hợp với các hội viên, các đối tác trong nước, quốc tế thực hiện các dự án, sáng kiến như: sáng kiến “không xả thải vào thiên nhiên” nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững theo định hướng kinh tế tuần hoàn. Sáng kiến “xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp”; triển khai các nghiên cứu về sự sẵn sàng tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy và nhựa; tập huấn cho doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông về mô hình kinh tế tuần hoàn;...

Mới đây, tháng 10/2021, VBCSD đã công bố kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng và tiềm năng thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống không cồn. Theo đó, VBCSD khảo sát trên 100 doanh nghiệp vừa và lớn thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến nguyên liệu và sản phẩm của 9 nhóm sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 90% doanh nghiệp được khảo sát đã có các hoạt động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn ở các mức độ khác nhau, tập trung ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng, sử dụng bao bì.

Thực hiện Nghị quyết 136/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững, VBCSD và VCCI tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các mô hình phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Cùng đó, đẩy mạnh đánh giá doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên Bộ Chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI); đồng thời, sắp công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững năm 2021.

Vậy có giải pháp nào để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn thực chất, rộng rãi hơn trong doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn luôn được xem là khu vực yếu về nhận thức và thiếu về tiềm lực?

Trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế chung trên toàn cầu và là tương lai của doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào nắm bắt được xu thế này, vận động chuyển mình trong hội nhập thì doanh nghiệp đó sẽ duy trì, phát huy được vị thế và khẳng định được thương hiệu trong chuỗi giá trị. 

Ở Việt Nam, để nhân rộng các mô hình này và tạo nên những phong trào thực hiện rộng khắp trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa hay quy mô siêu nhỏ cũng không hề đơn giản. Nhất là khi kinh tế tuần hoàn chưa được luật hóa, chưa trở thành những quy định bắt buộc hay những điều kiện mà doanh nghiệp cần phải thực hiện khi khởi sự kinh doanh.

Ngoài ra, cũng chưa có bất kỳ cơ chế cụ thể, chi tiết về những ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về tiếp cận đất đai, tín dụng hay thuế, phí... Từ đó, tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn hay chuyển đổi dây chuyền, quy trình hoạt động hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.  

Tuy nhiên, nếu nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đạt chứng nhận Doanh nghiệp phát triển vững thì những doanh nghiệp cung ứng dù ở bất kỳ quy mô nào cũng không thể không tuân thủ các quy định trong bộ Chỉ số CSI về quản trị doanh nghiệp. Đây là quy luật đào thải và lựa chọn thay đổi để tồn tại, phát triển nằm ở chính quyết định của doanh nghiệp. 

Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) và Lễ Công bố Các Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam (CSI) 2021 sẽ khai mạc vào sáng ngày 9/12. Sự kiện năm nay có điểm gì mới, thưa ông?

Chương trình năm nay sẽ vinh danh những doanh nghiệp có thành tích tốt trong việc tôn trọng và thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh và cam kết về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Đây đều là những nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp thế giới rất quan tâm, thể hiện tầm nhìn “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong văn hóa doanh nghiệp kinh doanh bền vững và sứ mệnh thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.

Dấu ấn quan trọng nhất của Bộ chỉ số CSI phiên bản thứ 6 năm nay chính là ở sự phân cấp các chỉ số thành 3 cấp độ dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau. Chỉ số ký hiệu M dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho doanh nghiệp vừa và lớn, và Chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện việc doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ pháp luật còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, đảm bảo các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác.

Thông qua việc phân cấp này, một lần nữa, VBCSD mong muốn truyền tải thông điệp, “phát triển bền vững" không phải là chuyện xa vời, to lớn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà rất thiết thực và có thể được cụ thể hóa thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật và hành xử văn minh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy mô, lĩnh vực hoạt động nào.

Thay vì mất nhiều công sức tự nghiên cứu “ma trận” thông tin, doanh nghiệp có thể hình dung ra lộ trình thực hiện phát triển bền vững theo quy mô từ nhỏ đến lớn. Từ đó, xây dựng được chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực hiện tại và định hướng tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nguồn lực trong quản trị doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quỳnh/TTXVN (thực hiện)
Doanh nghiệp Bình Dương cần 25.000 lao động cho dịp cuối năm
Doanh nghiệp Bình Dương cần 25.000 lao động cho dịp cuối năm

Trong những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 25.000 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN