Trước bối cảnh mới, TP Hồ Chí Minh đã và đang hướng đến phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Bài 1: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý
Cơ cấu kinh tế thành phố đang ngày càng phát triển, chuyển dịch theo hướng tăng cao lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp hiện đại, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Trong năm 2020, tuy bị tác động lớn của dịch COVID-19 nhưng kinh tế thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, điều này minh chứng rõ cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, thích ứng nhanh với tình hình thực tế.
Tăng tốc phát triển ngành dịch vụ
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh năm 2015, dịch vụ chiếm tỷ trọng 59,6% trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 39,4%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 1%. Đến nay, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 61,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 25,4%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%.
Trong số đó, các ngành dịch vụ phát triển đúng định hướng, đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, chất lượng, tăng trưởng bình quân đạt 8,3%/năm; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ, đứng đầu của cả nước. Ngành thương mại phát triển theo hướng hiện đại, nhất là thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Hệ thống phân phối hiện đại đã phát triển về số lượng và chất lượng, gia tăng lưu thông hàng hóa và thúc đẩy sản xuất.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố tăng trưởng bình quân 9,73%/năm. Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, không lệ thuộc một thị trường, đối tác. Trong năm 2020 vô cùng khó khăn, kinh tế thành phố tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ; có 7/9 ngành dịch vụ chủ yếu có giá trị gia tăng cao hơn so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4%, kim ngạch nhập khẩu tăng 1% so với cùng kỳ.
Ngành vận tải, cảng và kho bãi đã chuyển dịch mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân đạt 9,62% /năm, chiếm khoảng 10% trong tổng GRDP. Ngành du lịch thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước, được đánh giá, xếp hạng cao trên bản đồ du lịch của khu vực và trên thế giới. Các ngành giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh, tiếp tục giữ vững vị trí trung tâm của khu vực và trong cả nước.
Khu công nghệ cao thành phố đã phát triển mạnh mẽ, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu Đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 dự ước đạt khoảng 70 tỷ USD, tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (13,78 tỷ USD). Sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Công ty TNHH sản xuất Hiệp Phước Thành và Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung…
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và địa chính trị để phát triển dịch vụ, thương mại, khoa học công nghệ. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhận thức rõ điều đó và định hướng phát triển kinh tế dựa trên các nguồn lực bền vững hơn như nền tảng khoa học công nghệ, lao động chất lượng cao, phát huy lợi thế cửa ngõ giao thương quốc tế để phát triển các dịch vụ tài chính, xuất nhập khẩu.
Tận dụng hiệu quả các FTA
Với hoạt động giao thương sôi động và độ mở cao của nền kinh tế, các FTA (hiệp định thương mại tự do) mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức rõ nét cho doanh nghiệp thành phố. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA luôn được Đảng bộ và Chính quyền thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng nên đa đạt được những kết quả khả quan.
Xét riêng 25 đối tác có FTA với Việt Nam (cả song phương và đa phương), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các thị trường đều tăng qua các năm. Trong giai đoạn 2015-2019, các thị trường có FTA chiếm tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của thành phố; mức độ nhập siêu với các thị trường trên có xu hướng giảm dần.
Có thể kể đến một số thị trường có sự chuyển biến tích cực như Australia và New Zealand, khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực (1/1/2010), Tp. Hồ Chí Minh đang nhập siêu từ Australia và New Zealand. Đến năm 2016, thành phố bắt đầu xuất siêu sang hai thị trường này, đặc biệt từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thành phố xuất siêu mạnh qua hai thị trường này.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp thành phố ngày càng tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường của Australia-New Zealand thông qua các FTA. Nhật Bản và Hongkong (Trung Quốc) cũng là hai thị trường mà các doanh nghiệp thành phố đã tận dụng tối ưu đãi từ các FTA chung để nâng cao mức xuất siêu.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây được cải thiện đáng kể, các FTA sau được tận dụng nhanh và có mức tận dụng cao hơn FTA trước. Có được kết quả trên là tự nổ lực, tưng tác từ cả lãnh đạo lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía thành phố, thời gian qua công tác truyền thông về hội nhập quốc tế được đẩy mạnh qua các phương tiện báo đài, chương trình hội thảo, tập huấn và các diễn đàn kinh tế quốc tế.
Ngoài ra TP Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai các nghiên cứu, dự báo tác động của các FTA đến từng lĩnh vực, ngành nghề để doanh nghiệp nắm bắt thông tin, đón đầu cơ hội. Cụ thể, để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch triển khai các hiệp định thế hệ mới, bao gồm CPTPP và EVFTA, thống nhất một đầu mối chỉ đạo thực hiện là Ban chỉ đạo Thành phố về hội nhập quốc tế.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố không thụ động chờ EVFTA có hiệu lực, từ khi EU thông báo thông qua EVFTA vào tháng 10/2018, thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nắm và đón nhận cơ hội từ EVFTA với trọng tâm là hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa, xem đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp được hưởng thuế xuất ưu đãi.
Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản xuất, triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn với doanh nghiệp FDI trong đó có doanh nghiệp của EU.
Theo ông Dương Anh Đức, thành phố xác định hai nhóm sản phẩm tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU là nông sản, nổi bật là cà phê, hồ tiêu, thủy hải sản, rau củ quả nhiệt đới. Nhóm này chủ yếu từ các tỉnh đưa về thành phố chế biến và xuất khẩu đi EU; nhóm sản phẩm công nghiệp, ngoài dệt may, da giày, thành phố còn có lợi thế xuất khẩu về công nghệ thông tin và các sản phẩm, dịch vụ nội dung số.
Bài 2: Cải thiện môi trường đầu tư