Vượt nhiều khó khăn trong năm 2020
Theo đánh giá chung của các địa phương, năm 2020 là một năm có rất nhiều khó khăn trong quá trình điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như từng địa phương.
Đà Nẵng là một trong những thành phố chịu tác động “kép” của dịch COVID-19 cũng như ảnh hưởng của lũ lụt, mưa bão đã tác động rất nhiều đến kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, năm 2020, lĩnh vực dịch vụ, du lịch vốn là lĩnh vực quan trọng, chiếm 65,5% trong cơ cấu kinh tế của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước những khó khăn đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2020 giảm sâu với tổng sản phẩm (GRDP) ước giảm 9,77% so với năm 2019 (dịch vụ ước giảm 8,2%, công nghiệp - xây dựng ước giảm 12,2%; nông, lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 2,4%).
“Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã quyết liệt, đồng lòng trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời khống chế, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Đến nay, cùng với cả nước, Đà Nẵng đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, đến ngày 30/11, thành phố đã thu hút được hơn 16 ngàn tỷ đồng đối với dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, gấp 1,9 lần về vốn so với cùng kỳ 2019 và thu hút được hơn 2 ngàn tỷ đồng đối với các dự án trong nước trong các khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ”, ông Lê Trung Chinh cho biết.
Đồng ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, năm 2020, tỉnh đã quyết tâm thúc đẩy đầu tư công với phương châm lấy đầu tư công để dẫn dắt môi trường đầu tư. Cùng với đó, tỉnh tập trung gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp, vcó những dự án đầu tư thời gian cấp phép chỉ 22 giờ sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ đầy đủ.
“Bí thư các cấp trực tiếp là trưởng ban giải phóng mặt bằng để gỡ vướng tại địa phường kịp thời, như dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, chỉ sau 15 ngày vận động, người dân đã bàn giao mặt bằng, hoàn toàn không hề có cưỡng chế hay khiếu nại”, ông Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định trong bối cảnh hết sức khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng giúp kinh tế - xã hội đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong nước và ngoài nước, đặc biệt là những cơ chế, chính sách cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ, đáng chú ý, tổng số vốn đầu tư cho ĐBSCL so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 16,53% (giai đoạn 2016 - 2020).
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), Đồng Tháp cơ bản đạt mục tiêu đã đề ra, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 6,44%/năm, thu nhập bình quân đầu người nâng lên đáng kể, đến cuối năm 2020 ước đạt trên 47 triệu đồng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn còn 1,21 lần.
Quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” trong năm 2021
Năm 2021 có nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột thương mại gia tăng và những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tài chính, tiền tệ… trên phạm vi toàn cầu cũng như Việt Nam.
Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2021 với 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Với những nhiệm vụ chung đó, đại diện các địa phương đều khẳng định sẽ đồng lòng cùng Chính phủ, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội.
Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế”; kịp thời thực hiện các giải pháp phát triển nguồn thu, phấn đấu thu ngân sách đạt kết quả cao nhất; tập trung chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm, động lực trên các lĩnh vực giao thông, hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cấp thoát nước, môi trường, an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2021 theo kế hoạch đề ra…
Đại diện TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ quan tâm xem xét, sớm ban hành Nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; Quyết định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Điều 8 Nghị quyết 119/2020/QH14 về điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, Đà Nẵng kiến nghị các bộ ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông lớn, có sức lan tỏa, kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên và bố trí đủ nguồn vốn theo phương án đã được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất đối với các dự án trọng điểm của tỉnh.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng chống COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn bằng các chính sách và gói hỗ trợ; các chính sách kích cầu trong kinh tế, trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn xây dựng cơ bản; trong phòng chống, khắc phục thiên tai, hạn mặn ở ĐBSCL; lũ lụt, bão ở miền Trung; rét hại ở miền Bắc.
Cũng theo lãnh đạo Thành phố Cần Thơ, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu và có giải pháp kịp thời tháo gỡ như việc kết nối giao thông của các tỉnh trong vùng vẫn còn khó khăn; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn; vẫn còn bất cập, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để…
Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện một số chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, giãn thuế..., sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét, chấp thuận phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ làm cơ sở kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến...
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, năm 2021 là năm khởi động đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh, đòi hỏi các cấp, các ngành phải năng động, sáng tạo và sẵn sàng với "trạng thái mới" trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo, điều hành.
Để đạt mục tiêu đề ra trong 2021 của quốc gia cũng như của địa phương, Thừa Thiên Huế cho rằng, thời điểm hiện nay phục hồi, đón đầu cơ hội nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của đất nước. Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá sự thích nghi, chủ động của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và quy mô toàn cầu.
Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị cần tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, kịp thời giải quyết, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, tập trung chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm phát huy hiệu quả vận hành Chính phủ điện tử, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính…
Cùng với đó, dại diện tỉnh Kon Tum thì kiến nghị, đề xuất một số cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo động lực thúc đẩy phát triển tỉnh Kon Tum nói riêng và liên vùng Tây Nguyên – Miền Trung nói chung trong thời gian tới.
Tương tự, đại diện tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị sớm hoàn thiện cơ chế về liên kết vùng, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến đường đi qua địa phương... Đặc biệt, đại biểu tỉnh Tây Ninh cũng đề xuất các địa phương phải tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh để phòng ngừa lây lan đại dịch COVID-19 như trường hợp bệnh nhân 1440 tại Vĩnh Long mới đây.