Hưng Yên cần xây dựng sản phẩm nông nghiệp tương xứng với địa danh

"Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên cần xây dựng sản phẩm nông nghiệp tương xứng với địa danh “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”; phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu “nhãn lồng Phố Hiến”. Nền sản xuất nông nghiệp hiện nay cần tư duy mới, chuyển từ tuy duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp".

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên chiều ngày 15/7. 

Chú thích ảnh
Nhãn trồng theo tiêu chuẩn Vietgap tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, xu thế tiêu dùng thay đổi liên tục, người tiêu dùng hiện nay không chỉ ăn chất lượng mà còn ăn cả "thương hiệu" của sản phẩm. Chính vì vậy, làm nông nghiệp nên chú trọng chất lượng sản phẩm, không phải bán cái mình có mà là bán cái người tiêu dùng cần. Sản xuất nông nghiệp cần tư duy 3 vấn đề: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp là hành trình chuyển đổi mô hình, thay đổi tư duy, đổi mới phương thức và cần tập hợp những người nông dân lại để cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hưng Yên vận động nông dân vào hợp tác xã, tổ hợp tác; chuyển vụ, chuyển cây trồng phù hợp, nhận định các điểm nghẽn nông nghiệp và có hướng khắc phục nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao nhận thức về nông nghiệp và cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển từ phát triển đơn ngành sang mục tiêu tích hợp đa ngành, từ mục tiêu đơn giá trị sang mục tiêu tích hợp đa giá trị.

Đối với sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tỉnh Hưng Yên cần quan tâm đẩy mạnh liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm thị trường cần. Điều này nhằm bảo đảm giá bán sản phẩm cho nông dân, hạn chế tình trạng được mùa rớt giá, cung vượt cầu. Tỉnh cũng cần khuyến khích các chương trình khởi nghiệp nông nghiệp để kết nối đầu sản xuất với tiêu dùng. 

Tiếp thu những ý kiến của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì giải quyết việc ô nhiễm nguồn nước toàn hệ thống sông Bắc Hưng Hải; phân cấp quy định việc xả thải của các doanh nghiệp. Bộ cũng quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi của tỉnh để đáp ứng tốt hơn nữa nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn phòng, chống lũ, ngập úng và hạn hán; hỗ trợ, bố trí vốn để tỉnh hoàn thành các dự án đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 ở lĩnh vực nông nghiệp…

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tạo điều kiện để tỉnh có thể khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc trong thời gian tới. Đồng thời, tháo gỡ, sửa đổi quy định của Luật Đê điều và Quyết định 257/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cho phù hợp với việc sử dụng đất bãi sông để đảm bảo an toàn phòng chống lũ và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với Chính phủ ban hành nghị định; đồng thời, chủ động xây dựng thông tư hướng dẫn thành lập và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích hoạt động kinh tế trang trại. Hỗ trợ tỉnh triển khai xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, bền vững, thân thiện với môi trường. 

Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025, có từ 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; từ 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020; hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng tưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khai thác và vận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, hướng tới xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản. Trong thời gian tới, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân đầu tư nhà lạnh, kho mát để tạm trữ rau, quả, từng bước đưa công nghệ mới vào bảo quản nông sản.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tại Hưng Yên
Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tại Hưng Yên

Ngày 15/7, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 72 điểm cầu trong và ngoài nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN