Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho cùng hơn 350 đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Hàn Quốc, các nước khu vực Mekong, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các địa phương của Việt Nam.
Diễn đàn tập trung vào các nội dung chính: Tác động ngắn hạn, dài hạn của đại dịch COVID-19 đến kinh tế thế giới; các xu thế phát triển lớn (như số hóa nền kinh tế, tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu…); các thách thức mà doanh nghiệp 6 nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt, những cơ hội mới mà doanh nghiệp cần nắm bắt; ứng phó, và điều chỉnh doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh mới; chính sách hỗ trợ của chính phủ giúp doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch và phục hồi trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2011, cơ chế hợp tác Mekong - Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa 6 quốc gia (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc). Đáng chú ý, kim ngạch thương mại giữa khu vực sông Mekong và Hàn Quốc đã tăng 250% trong 9 năm qua, đạt 88 tỷ USD vào năm 2019. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) song phương đã đạt gần 60 tỷ USD vào năm 2019.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, mặc dù suy thoái kinh tế nghiêm trọng gây ra bởi dịch COVID-19, Mekong-Hàn Quốc đã cố gắng duy trì thương mại giữa các nước ở mức tương tự như năm ngoái và tiếp tục là đối tác thương mại chính của nhau.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, trong suốt quá trình phát triển của hợp tác Mekong -Hàn Quốc, khu vực kinh tế này luôn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy đổi mới và sức cạnh tranh của nền kinh tế hai bên. Trong hai hội nghị thượng đỉnh vừa qua, các nhà Lãnh đạo Mekong và Hàn Quốc đã khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty mới thành lập, để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư trong khu vực, thúc đẩy sự hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực.
Nhấn mạnh Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, chủ yếu do tác động của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung bày tỏ sự tin tưởng Diễn đàn sẽ có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy hợp tác để vượt qua những thách thức và để đảm bảo sự thịnh vượng của khu vực.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, Phiên kết nối doanh nghiệp trực tuyến 1-1 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đồng tổ chức sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp từ các nước Mekong và Hàn Quốc kết nối, khám phá những cơ hội kinh doanh mới.
Chia sẻ quan điểm với Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho cho rằng, sông Mekong có thể coi là mẹ của các dòng sông. Với một hệ thống sông ngòi chằng chịt, Mekong là khu vực có hơn 200 triệu người, có thể đem đến sự thịnh vượng của các nước, mở ra những cơ hội đầu tư thương mại giữa hai bên.
Theo Thứ trưởng Lee Tae-ho, tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 1 (Busan, 11/2019), các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Mekong - sông Hàn. Đây là cơ sở để hai bên tìm các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan vừa qua, các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi kinh tế, đồng thời nhất trí nâng cấp hợp tác Mekong-Hàn Quốc lên Quan hệ Đối tác chiến lược. Các bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên, nâng cao khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng khu vực và tạo thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp sáu nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thúc đẩy để tăng cường hợp tác với các nước Mekong, cam kết đóng góp 10 tỷ USD vào quỹ hợp tác và phòng, chống COVID-19, qua đó thúc đẩy kết nối khu vực và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Lee Tae-ho cho rằng, khu vực Mekong đang phải đối mặt với những thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thiên tai và biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt, do đó cần tăng cường hợp tác trong quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai tại khu vực.
Sau Phiên khai mạc, Diễn đàn diễn ra hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có nội dung: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trước biến động của kinh tế thế giới. Phiên thứ hai với nội dung “Các giải pháp, chính sách phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Đặc biệt ngay sau kết thúc Diễn đàn, Phiên đối thoại giữa địa phương Việt Nam (gồm Bắc Giang Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái) và doanh nghiệp Hàn Quốc đã diễn ra; kết nối địa phương với doanh nghiệp hai bên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.